Luật Bảo vệ môi trường: Thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý thống nhất, phù hợp với tình hình mới

Thứ tư - 07/12/2022 20:46
Luật Bảo vệ môi trường được đánh giá có nhiều tiến bộ, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý thống nhất về môi trường, phù hợp với tình hình mới. Một trong những nội dung mới lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý thống nhất; quy định việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường (BVMT) không cần thông báo công bố trước để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với tình hình mới. 

Kiểm tra đột xuất lĩnh vực BVMT không phải thông báo trước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Thời gian qua môi trường Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt ô nhiễm nước thải, rác thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề… đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội. Trước thực trạng đó, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 đã dành riêng một Chương để quy định trách nhiệm về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường nhằm quản lý chặt chẽ vấn đề trên. Một trong những nội dung nổi bật ở chương này quy định về kiểm tra, thanh tra về BVMT, kiểm toán trong lĩnh vực môi trường (Điều 160).

Luật Bảo vệ môi trường: Thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý thống nhất, phù hợp với tình hình mới

Đoàn công tác liên nghành đi kiểm tra việc thực hiện BVMT tại doanh nghiệp

Cụ thể, tại khoản 2 nêu rõ thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, thanh tra đột xuất được tiến hành theo quy định khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao.

Đặc biệt, việc thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Hoạt động kiểm tra, thanh tra về BVMT bảo đảm không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức, cá nhân; có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan khác có liên quan.

Cũng đánh giá về vấn đề này, Giám đốc Công ty Luật ASEM Đỗ Anh Thắng cho rằng: Luật Bảo vệ môi trường rất rộng và khó bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. Thế nhưng, Luật đã dành hẳn một chương quy định về công tác quản lý việc bảo vệ môi trường, không những ở khu vực dân cư mà còn cả những khu vực sản xuất tập trung và với những dự án, công trình lớn có thể gây ra những hậu quả, nguy cơ lớn và lâu dài về môi trường.

Tại Điều 161 về xử lý vi phạm nêu rõ: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về BVMT, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo, Luật sư Đỗ Anh Thắng cho biết thêm.

Phân cấp rõ trách nhiệm của Bộ, ngành và địa phương

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, một điểm đột phá lớn không thể không nhắc đến, đó là lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Điều này được thể hiện rõ, khi đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào Luật Bảo vệ môi trường, đưa các chức năng quản lý Nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ về Bộ Tài nguyên và Môi trường như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Luật phân định rõ vai trò quản lý với việc tổ chức thực hiện, xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề môi trường. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong kiểm soát, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT trên phạm vi cả nước. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng. Trong khi, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh; chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT.

Về trách nhiệm của UBND các cấp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm d khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Rõ ràng, Luật Bảo vệ môi trường không chỉ thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý thống nhất, phù hợp với tình hình mới, mà còn góp phần hình thành lối sống mới, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân thay đổi suy nghĩ, cách ứng xử hàng ngày đó là trách nhiệm BVMT chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây