Khắc phục triệt để vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quản lý về BVMT

Thứ tư - 22/09/2021 09:55
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến thẩm tra của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

 Cải thiện môi trường, sức khỏe nhân dân, phát triển bền vững

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành Luật BVMT năm 2020 và dự thảo nghị định hướng dẫn nhằm mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. “Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững”, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Theo đó, Luật BVMT 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định về thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về KT-XH.

Luật BVMT 2020 được thông qua với 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương và tăng 1 điều so với Luật BVMT năm 2014), trong đó có 65 nội dung giao Chính phủ quy định. Để sớm đưa các quy định của Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2020 là cần thiết.

Các quy định phải minh bạch, đầy đủ, chi tiết và khả thi

Về quan điểm xây dựng dự thảo nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết: Nghị định phải phù hợp với Hiến pháp và Luật BVMT 2020; có sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là pháp luật có liên quan như: Đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí, bình đẳng giới… phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các quy định của Nghị định phải có tính minh bạch, đầy đủ, chi tiết và khả thi; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số, cải cách hành chính, đơn giản hoá TTHC của Chính phủ; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia công tác BVMT.

Đồng thời, kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp luật về BVMT hiện hành để tạo sự ổn định trong hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới nhằm cụ thể hoá các chính sách mới của Luật BVMT 2020, đồng thời khắc phục triệt để các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật và nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT.

Có sự phân công, phân quyền hợp lý, hiệu quả; chú trọng các công cụ hậu kiểm thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT; làm rõ vai trò quản lý tập trung, thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT trong một số lĩnh vực cụ thể, sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực khác để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT, tránh sự chồng chéo, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Dự thảo quy định rõ các nguồn lực để bảo đảm triển khai nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu quản lý nhà nước về BVMT theo nguyên tắc nhiệm vụ nào thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì phải có nguồn lực bảo đảm để thực hiện; có các cơ chế hiệu quả để đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực của xã hội cho công tác BVMT; thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng góp nguồn lực cho BVMT theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, người hưởng lợi thì phải chi trả.

Quy định chặt chẽ BVMT làng nghề, chất thải, phân vùng môi trường

Đặc biệt, dự thảo nghị định quy định về bảo vệ các thành phần môi trường và di sản thiên nhiên như BVMT nước, BVMT không khí, BVMT di sản thiên nhiên, BVMT đất, BVMT không khí; quy định về phân vùng môi trường, đánh giá môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, tiêu chí môi trường và phân loại dự án đầu tư…

Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực quy định các vấn đề chính như điều kiện BVMT làng nghề; yêu cầu cụ thể về BVMT đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề; ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề cũng như trách nhiệm của các cơ sở, hộ gia đình thuộc ngành, nghề không khuyến khích phải thực hiện; việc lập, phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển, di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề.

Quy định về BVMT đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, dự thảo nghị định quy định cụ thể các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật BVMT; lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về BVMT đối với công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác; khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư; lộ trình áp dụng công nghệ hiện có tốt nhất; yêu cầu đặc thù về BVMT trong vận hành thử nghiệm, quản lý chất thải, quan trắc môi trường đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí và các dịch vụ liên quan trên biển; bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng.

Đồng thời, dự thảo nghị định cũng có quy định chung về quản lý chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn nguy hại, quản lý nước thải, bụi, khí thải đặc thù…

Lê Sơn (chinhphu.vn)

Nguồn tin: Cổng TTĐT Tổng cục Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây