Đề xuất không lùi thời gian thực hiện EPR tại Việt Nam

Thứ tư - 29/09/2021 21:19

Đề xuất này vừa được 30 cá nhân, tổ chức như: Liên Minh không rác Việt Nam; Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh; Trung tâm Con người và Thiên nhiên; Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương… gửi đến các cơ quan Nhà nước và Bộ TN&MT.

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm
Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm

Theo đó, trong Công văn gửi Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT…, các cá nhân, tổ chức trên đã đưa ra một số kiến nghị quan trọng xung quanh việc Bộ TN&MT đang dự thảo Quy định về trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) trong Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Không lùi thời điểm thực hiện EPR ở Việt Nam

Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR trong khi nhu cầu khẩn cấp cần phải giảm lượng chất thải phát sinh và tăng tỷ lệ tái chế để giảm các xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các nhà khoa học và tổ chức môi trường trong và ngoài nước đều cho rằng, nhà sản xuất cần phải có trách nhiệm xử lý đối với các sản phẩm, bao bì mình sản xuất, đặc biệt, đối với các sản phẩm có chứa thành phần nguy hại.

Chất thải ở Việt Nam gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng và quản lý, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm. Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương. Khi áp dụng, EPR sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thay đổi thiết kế, buộc họ phải tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì mà họ đã sản xuất.

Được ghi nhận trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, nhưng quy định này vẫn bị trì hoãn thực hiện. Thậm chí, hiện nay, một số cá nhân, hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, nên lùi thời điểm thực thi quy định này trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vì những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ bảo vệ môi trường và quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, các tổ chức trên đề nghị không lùi thời điểm thực thi quy định trên. Quy định này nên được áp dụng đúng lộ trình được đặt ra trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ngoài ra, Liên minh Các cá nhân, tổ chức trên còn đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc, tăng và minh bạch mức đóng góp tài chính để đảm bảo thực hiện các chiến lược môi trường quốc gia.

Đóng góp tài chính được chi trả trực tiếp cho tái chế

Theo Dự thảo, Hội đồng EPR Quốc gia sẽ quyết định việc đặt ra tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc - điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường Việt Nam cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhập khẩu thường chuyển các chi phí này vào giá thành của sản phẩm, nghĩa là về bản chất người tiêu dùng mới là người chi trả cho việc thực hiện EPR.

Do đó, các tổ chức trên đề nghị Hội đồng EPR quốc gia phải có đại diện của đầy đủ các bên có quyền và lợi ích liên quan. Tức là phải có đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng để có thể giám sát việc doanh nghiệp sử dụng các nguồn tài chính thu từ người tiêu dùng cho hệ thống EPR.

Đặc biệt, các khoản đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện EPR không phải là thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật, do đó, các khoản đóng góp này không được nhập vào ngân sách Nhà nước và chỉ dùng để chi trả trực tiếp cho các hoạt động quản lý chất thải…

Tác giả: Phạm Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây