1. Hệ thống pháp lý
Nhận định chung: Hệ thống, hành lang pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí đã được xây dựng, ban hành chặt chẽ, rõ ràng và đồng bộ; đã quy định đầy đủ về trách nhiệm quản lý, kiểm soát và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kiểm soát và bảo vệ môi trường không khí. Cụ thể gồm:
+ Luật BVMT 2020: là văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định về bảo vệ môi trường không khí quy định về chất lượng không khí, giám sát ô nhiễm không khí, và các biện pháp khắc phục (Mục 2. Chương II);
+ Bên cạnh đó, các văn bản dưới Luật hướng dẫn quản lý môi trường không khí cũng rất đầy đủ như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với biến đổi khí hậu…
+ Để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT không khí như: Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí,..
- Do tình trạng ô nhiễm không khí có tính chất liên tục thay đổi và chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế – xã hội và khí hậu thời tiết, hệ thống pháp lý cần được định kỳ rà soát, cập nhật và bổ sung các quy định nhằm phản ánh đúng tình hình mới, đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Gần đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, áp dụng từ ngày 06/01/2025.
Ngoài ra, để đảm bảo tính răn đe, pháp luật cần đi kèm với cơ chế xử phạt rõ ràng, nghiêm khắc với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm không khí nói riêng thì các chế tài phải được quy định cụ thể và đủ mạnh từ đó tạo động lực cho các chủ thể tuân thủ pháp luật. Ngày 07/7/2022 Chính Phủ đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
2. Năng lực quản lý nhà nước của cơ quan được trao quyền
Nhận định chung: Năng lực của cơ quan quản lý nhà nước có tác động trực tiếp và toàn diện đến hiệu quả thực thi pháp luật kiểm soát ô nhiễm không khí. Việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo nhân lực, đầu tư công nghệ và cải thiện cơ chế phối hợp sẽ giúp chính sách kiểm soát ô nhiễm đạt hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, năng lực của các cơ quan quản lý cấp Trung ương nói chung và Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói riêng đang từng bước được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu về năng lực quản lý, luôn luôn chủ động cử cán bộ đầu ngành phụ trách lĩnh kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tham gia các buổi hội thảo trong nước và quốc tế, luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm quản lý chuyên môn từ các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,… Tuy nhiên thực tế hiện nay số lượng cán chuyên sâu về quản lý môi trường không khí còn hạn chế.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ trong quản lý cũng được thường xuyên cập nhật, cụ thể trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí luôn chủ động học hỏi các mô hình tính toán từ các quốc gia phát triển, các công nghệ quan trắc chất lượng môi trường không khí và hệ thống dự báo, cảnh báo,..
Năng lực quản lý giữa các cơ quan còn thể hiện ở việc phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành cụ thể: Hiện nay sau khi tinh gọn bộ máy quản lý các đầu mối trong phối hợp quản lý kiểm soát ô nhiễm không khí đã giảm hơn so với trước đây. Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Bộ Tài chính rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định của Luật BVMT năm 2020, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2025; Phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025, phối hợp trong quản lý, kiểm soát ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng…
3. Nhận thức của các bên liên quan
Nhận định chung: Yếu tố "Nhận thức của các bên liên quan" đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi hiệu quả pháp luật kiểm soát ô nhiễm không khí. Nếu nhận thức đầy đủ, các bên sẽ tự giác tuân thủ quy định, giám sát lẫn nhau và chủ động thực hiện giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Ngược lại, nếu nhận thức hạn chế, việc thực thi pháp luật sẽ gặp nhiều trở ngại, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Vì vậy, cần có chiến lược nâng cao nhận thức đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân để đảm bảo môi trường không khí trong lành và bền vững.
Khi doanh nghiệp và người dân được thông tin đầy đủ về các quy định pháp luật và tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, họ sẽ có động lực tuân thủ các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu hành vi vi phạm. Bên cạnh đó sẽ tích cực tham gia giám sát và phản ánh các vi phạm, từ đó hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra và xử lý.
Đối với Doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa đủ hiểu biết về nghĩa vụ bảo vệ môi trường và các biện pháp cần thiết để giảm phát thải. Việc thiếu đầu tư vào công nghệ xử lý khí thải và tìm biện pháp “lách luật” đã làm giảm hiệu quả của việc kiểm soát ô nhiễm không khí
Đối với Cộng đồng: Người dân, dù dần dần được tiếp cận với thông tin về tác hại của ô nhiễm không khí, nhưng việc truyền thông và giáo dục vẫn chưa lan tỏa rộng rãi và sâu sắc. Đặc biệt đa số người dân còn theo dõi thông tin chất lượng môi trường không khí từ nguồn thông tin chưa chính thống hoặc không đáng tin cậy gây nên hoang mang dư luận. Mức độ tham gia của cộng đồng, người dân trong bảo vệ môi trường, trong giám sát, tố cáo vi phạm ví dụ như đốt rác, đốt rơm rạ còn hạn chế.
4. Kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và nguồn lực tài chính
Nhận định chung: Kết cấu hạ tầng, năng lực kỹ thuật và nguồn lực tài chính là những yếu tố cơ bản tạo nền tảng cho hiệu quả thực hiện pháp luật kiểm soát ô nhiễm không khí. Khi các yếu tố này được đầu tư đầy đủ, hiện đại hóa và phối hợp hiệu quả, các cơ quan quản lý sẽ có khả năng giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm một cách nhanh chóng, góp phần bảo vệ chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Ngược lại, hạn chế trong các yếu tố này sẽ trực tiếp làm giảm hiệu quả của hệ thống pháp luật, gây ra rủi ro về môi trường và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ví dụ, đầu tư vào hệ thống quan trắc tự động và liên tục sẽ giúp cải thiện khả năng cảnh báo và xử lý các điểm nóng ô nhiễm một cách kịp thời. Hiện nay hệ thống quan trắc không khí chưa đáp ứng về số lượng cũng như mật độ.
Một hệ thống trạm quan trắc không khí được xây dựng đồng bộ, liên tục và được trang bị công nghệ tiên tiến giúp thu thập, xử lý và công bố thông tin kịp thời về chất lượng không khí. Khi hạ tầng không đầy đủ hoặc lỗi thời, việc giám sát và xử lý vi trở nên khó khăn, làm giảm hiệu quả quản lý môi trường.
Ngân sách dành cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng ngân sách nhà nước – con số này còn thấp so với nhu cầu đầu tư cho việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng quan trắc, ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như đào tạo nhân lực. Sự hạn chế về tài chính làm giảm khả năng triển khai các giải pháp giám sát, xử lý vi phạm một cách hiệu quả.
Nguồn tin: hoidap.mae.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn