Theo Sở TN&MT TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch khu vực bãi chôn lấp Đông Thạnh và bãi chôn lấp Gò Cát gắn với nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, Sở đã thông báo rộng rãi để kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, có kinh nghiệm đề xuất phương án cải tạo, xử lý hai bãi chôn lấp trên.
Đến nay, Sở TN&MT TP.HCM đã nhận hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố, Công ty TNHH MTV Cựu chiến binh Thành phố, Công ty CP Thương cảng Sài Gòn, Công ty TNHH F471, Công ty TNHH Samaa, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty GS Engineer, Công ty TNHH KMDK Việt Nam, Công ty CP Naanovo Energy, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Thiên Đức.
Cũng theo Sở TN&MT TP.HCM, các phương án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận của các công ty khá đa dạng, bao gồm: cải tạo mặt bằng để xây dựng công viên khoa học, khu du lịch sinh thái; tạo quỹ đất sạch để hình thành khu vực đô thị mới hoặc xây dựng nhà máy đốt phát điện,… hình thức thu hồi vốn được đa số các nhà đầu tư đưa ra là sử dụng quỹ đất sạch sau xử lý để phát triển khu đô thị. Tuy nhiên, việc xác định hình thức thu hồi vốn của các dự án đầu tư có liên quan đến quỹ đất sạch sau khi cải tạo các bãi rác đang được Thành phố cân nhắc, xem xét.
Vì vậy, Sở TN&MT sẽ chủ động phối hợp với các Sở ngành liên quan để làm việc thêm với các nhà đầu tư khác cũng như đánh giá đề xuất của các công ty nêu trên để đề xuất UBND Thành phố phương án xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi chôn lấp Đông Thạnh, Gò Cát trong khi chờ xem xét, điều chỉnh quy hoạch.
Vì sao đóng cửa?
Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) được hình thành và tiếp nhận rác sinh hoạt vào năm 1991. Đến năm 1998, UBND TP.HCM có quyết định đầu tư dự án công trường xử lý rác Đông Thạnh, rác thải của TP được đưa về đây xử lý bằng cách chôn lấp, không có lớp lót đáy chống thấm khiến người dân phản ánh về mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước. Cuối năm 2002, bãi rác Đông Thạnh ngừng tiếp nhận rác với lượng rác hơn 10,8 triệu tấn.
Bãi rác Gò Cát (P. Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) bắt đầu tiếp nhận rác từ năm 2001, theo thiết kế của Công ty Vermeer (Hà Lan) nên có lớp nhựa HDPE lót đáy chống thấm. Trong thời gian hoạt động, bãi rác này vẫn gây mùi hôi và bị người dân phản ánh. Năm 2006, bãi rác Gò Cát tiếp nhận dự án thí điểm đốt rác phát điện của Công ty TNHH Thủy lực - Máy với công suất khoảng 2.400 kWh/ngày. Đến tháng 8-2007, bãi rác đóng cửa với lượng rác chôn lấp gần 6 triệu tấn.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn