Làm rõ quy định các loại chất thải
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ việc phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường thành 03 nhóm: nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; nhóm chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Luật lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
Về quản lý chất thải nguy hại, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bỏ đi quy định cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại mà thay bằng hình thức khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường; bổ sung thêm chủ nguồn thải chất thải nguy hại cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại; quy định rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không hạn chế việc thu gom chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh khác về xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn.
Về quản lý nước thải, ngoài những yêu cầu đặt ra cho hệ thống xử lý nước cần thải phải bảo đảm như Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn đặt thêm yêu cầu đòi hỏi các chủ thể có hệ thống xử lý nước thải còn phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với hệ thống này. Việc quy định phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sợ cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải là rất quan trọng và cần thiết bởi điều này sẽ giúp hạn chế được những rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra khi hệ thống xử lý nước thải có vấn đề về sự cố.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có bổ sung thêm một loại chất ô nhiễm mới phải thực hiện việc quản lý và kiểm soát đó là “mùi khó chịu”. Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy được tính khả thi và hiệu quả trên thực tế thì đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện chuyên sâu hơn nữa về các vấn đề pháp lý điều chỉnh về việc quản lý, kiểm soát đối với loại “mùi khó chịu” này.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bật trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.
Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra phương thức quản lý mới thông qua quy định CTRSH đã được phân loại phải chứa đựng trong các bao bì nhất định. Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng là giải pháp hiện được nhiều quốc gia áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để áp dụng ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, do phải có các điều kiện “cần và đủ” về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hơn hết là ý thức của người dân còn hạn chế. Lường trước những khó khăn này, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã đặt lộ trình từ nay đến 2025 là giai đoạn để tuyên truyền, nâng cao giáo dục, nhận thức cho người dân.
Tác giả: Thủy Nguyễn
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn