TS. Nguyễn Đình Trọng: Người kiến tạo công nghệ xử lý rác thải “Made in Việt Nam”

Thứ ba - 18/03/2025 03:19
Không xử lý được môi trường, đừng nghĩ đến phát triển bền vững! Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam - một nhà khoa học tiên phong, người đã dành hơn 22 năm tâm huyết nghiên cứu, phát triển các công nghệ xử lý rác thải hiện đại.

Niềm đam mê khoa học và hành trình khẳng định vị thế

Sinh ngày 15/3/1975, Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1998, sau đó tiếp tục học và tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh năm 2009. Ông nhận học vị Tiến sĩ Kinh tế năm 2011. Với nền tảng học thuật vững chắc, ông đã dành hơn hai thập kỷ cống hiến cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý môi trường.
Trong gần 10 năm qua, ông tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ lò đốt rác, góp phần giải quyết bài toán rác thải tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông, hơn 200 dự án lò đốt rác đã được triển khai thành công tại hơn 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời sản phẩm của T-TECH đã xuất khẩu sang Campuchia và nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.  

Bằng tâm huyết của TS. Nguyễn Đình Trọng, năm 2018, T-TECH trở thành tập đoàn duy nhất được Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và các tỉnh tin tưởng giao trọng trách tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn nông thôn trên cả nước. Sứ mệnh này không chỉ giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững mà còn mang lại môi trường sống trong lành hơn cho hàng triệu người dân.

Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, khi rác thải và ô nhiễm môi trường trở thành nỗi ám ảnh với toàn xã hội, hệ thống lò đốt rác công nghệ cao của T-TECH đã len lỏi đến từng huyện, từng xã, kịp thời giải quyết bài toán nan giải về rác thải. Không chỉ giúp xóa bỏ những bãi rác ô nhiễm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh, công nghệ này còn mở ra hy vọng về một cuộc sống xanh - sạch - đẹp hơn cho người dân vùng nông thôn, nơi mà trước đây vấn nạn rác thải từng là nỗi trăn trở kéo dài. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng đã góp phần biến giấc mơ về một môi trường bền vững thành hiện thực, từ những miền quê xa xôi đến những vùng đô thị đang phát triển.

T-TECH đã triển khai hơn 200 dự án lò đốt rác ở 43 tỉnh, thành trên cả nước

22 năm tiên phong trong công nghệ môi trường

Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam do TS. Nguyễn Đình Trọng sáng lập, đi vào hoạt động ngày 6/11/2002, với sứ mệnh nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ nhu cầu xử lý rác thải và bảo vệ môi trường. Hơn 22 năm hình thành và phát triển, T-TECH đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ môi trường, sở hữu nhiều sản phẩm đột phá có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước G7.

Với khát vọng đưa công nghệ xử lý rác thải Việt Nam tiệm cận trình độ quốc tế, TS. Nguyễn Đình Trọng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, đặt chân đến nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Đặc biệt, trong những chuyến công tác tại Nhật Bản - một trong những quốc gia đi đầu về xử lý môi trường - ông đã chắt lọc những tinh hoa công nghệ tiên tiến, nghiên cứu và cải tiến để phù hợp với đặc thù rác thải tại Việt Nam. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải trong nước mà còn khẳng định vị thế của T-TECH trên bản đồ công nghệ môi trường toàn cầu.

TS. Nguyễn Đình Trọng cho hay: “Lĩnh vực hoạt động chính của T-TECH là lò đốt rác: Bao gồm lò đốt rác sinh hoạt, công nghiệp, y tế và lò đốt rác phát điện; dây chuyền thiết bị xử lý môi trường, công nghệ đóng cửa bãi rác cũ, dây chuyền xử lý rác thải tổng hợp. Doanh nghiệp còn đầu tư nhà máy xử lý rác, các nhà máy đốt rác công suất từ 200 tấn/ngày trở lên, theo mô hình đầu tư linh hoạt; cung cấp thiết bị thí nghiệm, thiết bị xây dựng, kiểm tra vật liệu, đo lường khoa học, công nghệ đốt rác phát điện. T-TECH đã triển khai thành công hàng loạt dự án lớn tại hơn 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Công nghệ đốt rác phát điện do T-TECH phát triển đã giúp tạo ra giá trị kinh tế bền vững, vừa xử lý rác hiệu quả vừa sản xuất năng lượng tái tạo”.

TS. Nguyễn Đình Trọng (phải) chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Bộ TN&MT (cũ) về mô hình lò đốt rác phát điện "Made in VietNam" tại Hội nghị Môi trường lần thứ V

Lò đốt rác thải sinh hoạt của T-TECH đạt Top 10 sản phẩm công nghệ tiêu biểu Việt Nam năm 2016 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bình chọn. Với tôn chỉ “Công nghệ tiên phong - Dịch vụ hoàn hảo”, T-TECH không chỉ cung cấp các giải pháp công nghệ môi trường tối ưu mà còn góp phần nâng cao vị thế ngành công nghệ môi trường Việt Nam trên trường quốc tế.

TS. Nguyễn Đình Trọng chia sẻ: "Phải quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ môi trường, cần phải quyết liệt hơn. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà trong nhiều năm qua, không cứ Việt Nam chúng ta mà nhiều nước trên thế giới đang phải đồng hành, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, để phát triển kinh tế bền vững. Năm 2020, chúng ta đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường mới, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, được triển khai bằng nhiều văn bản pháp lý, hướng dẫn để công tác môi trường ngày một cải thiện hơn. Hay nói cách khác, chưa xử lý được môi trường, đừng nên nghĩ đến phát triển bền vững"!

TS. Nguyễn Đình Trọng khẳng định, làm tốt môi trường mới nghĩ đến câu chuyện phát triển bền vững

Tự tin chinh phục những thách thức mới

Bên cạnh việc phát triển công nghệ, TS. Nguyễn Đình Trọng còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề rác thải đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội. Ông đã đề xuất quy hoạch nhà máy xử lý rác thải và hệ thống điểm tập kết rác một cách khoa học, giúp giảm thiểu ô nhiễm và ùn tắc rác thải. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến để xử lý rác hiệu quả, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguồn tài nguyên có ích. Những giải pháp này không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây