Giám sát và chia sẻ dữ liệu tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công

Thứ hai - 31/03/2025 06:59
Sông Mê Công là dòng sông lớn và quan trọng nhất vùng Đông Nam Á. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Công với chiều dài 4.880 km chảy qua Trung Quốc, Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, Campuchia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.
Giám sát và chia sẻ dữ liệu tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công

Lưu vực sông Mê Công rộng khoảng 715.000 km2, trong đó, vùng Hạ lưu vực (chiếm trên 77%) là nơi sinh sống của khoảng 65 triệu người dân thuộc các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông Mê Công có lưu lượng trung bình hằng năm khoảng 13.500 m3/s, với tổng lượng dòng chảy 475 tỷ m3, trong đó Trung Quốc đóng góp khoảng 16%, Mi-an-ma 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18%, và Việt Nam 11%. Nguồn nước sông Mê Công có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia ven sông, trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển thủy điện, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, du lịch, cấp nước sinh hoạt,...

Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thuộc châu thổ sông Mê Công với gần 95% dòng chảy đến từ bên ngoài lãnh thổ nên nguồn TNN vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm trước các biến động từ thượng nguồn. Do đó, bên cạnh việc quan trắc, giám sát TNN, đặc biệt là nguôn nước xuyên biên giới do Ủy hội sông Mê Công thực hiện, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng đã có rất nhiều hoạt động để tăng cường hợp tác trong giám sát và chia sẻ dữ liệu TNN LVS Mê Công nhằm thực hiện hiệu quả Hiệp định Hợp tác phát triền bền vững LVS Mê Công 1995; theo dõi chặt chẽ các biến động của nguồn nước nhằm kịp thời kiến nghị các giải pháp ứng phó, giảm thiểu đối với các tác động của phát triển thượng nguồn đến Việt Nam. Về tổng thể, các hoạt động giám sát và chia sẻ dữ liệu TNN LVS Mê Công gồm có:

Các hoạt động của Ủy hội sông Mê Công quốc tế

Ngay từ khi thành lập, việc theo dõi, giám sát TNN sông Mê Công đã là hoạt động chủ chốt của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đến nay, các mạng quan trắc của Ủy hội đang từng bước được hoàn thiện, cụ thể như sau:

Mạng KTTV trên LVS Mê Công hiện đã lắp đặt, vận hành 71 trạm. Ủy hội cũng đã bổ sung quan trắc các thông số về hạn tại 13/71 trạm trong mạng quan trắc KTTV này; mạng quan trắc phù sa bùn cát hiện có 25 điểm đo, trong đó, Việt Nam có 2 điểm tại Tân Châu và Châu Đốc; mạng quan trắc chất lượng nước có 61 điểm đo, trong đó, Việt Nam có 13 điểm; mạng quan trắc nguồn lợi thủy sản tự nhiên có 48 vị trí giám sát, trong đó, Việt Nam có 10 vị trí trên 4 vùng sinh cảnh; và mạng quan trắc sức khỏe hệ sinh thái thủy sinh có 36 điểm quan trắc, trong đó, Việt Nam có 6 điểm. Các dữ liệu từ các mạng quan trắc này của Ủy hội đã được chia sẻ rộng rãi nhằm phục vụ công tác quản lý, dự báo, nghiên cứu.

Từ năm 2021, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thiết kế chương trình giám sát các tác động thực tế về thủy văn, phù sa bùn cát, chất lượng nước, sinh thái thủy sinh, thủy sản,... đối với hai công trình thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông của Lào đã đi vào vận hành. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để các quốc gia giám sát vận hành các công trình thủy điện dòng chính và yêu cầu chủ các công trình thực hiện theo các cam kết, thỏa thuận; đồng thời, chủ động nghiên cứu, dự báo các tác động làm cơ sở xây dựng các giải pháp ứng phó.

Bên cạnh các hoạt động giám sát sông bằng những mạng lưới trạm quan trắc nêu trên, Ủy hội sông Mê Công quốc tế còn giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN trên toàn lưu vực thông qua thực hiện các thủ tục chia sẻ thông tin số liệu và thủ tục giám sát sử dụng nước. Với việc chia sẻ thông tin số liệu từ các quốc gia thành viên trong quá trình thực hiện các thủ tục nêu trên, và áp dụng công nghệ hiện đại như công nghệ viễn thám để giám sát việc khai thác, sử dụng TNN, mạng giám sát sông của Ủy hội sẽ ngày càng hoàn thiện, qua đó hỗ trợ các quốc gia thành viên đạt được mục tiêu hợp tác phát triển bền vững LVS Mê Công.

Ủy hội đã xây dựng được một hệ thống thông tin và CSDL chung bao gồm thông tin, dữ liệu về KTTV, TNN, sức khỏe hệ sinh thái,… do các quốc gia chia sẻ với Ủy hội. Ban Thư ký Ủy hội thực hiện quản lý hệ thống thông tin và CSDL.

Ủy hội cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Mi-an-ma, đặc biệt là Trung Quốc trong trao đổi, chia sẻ thông tin, số liệu; trao đổi chuyên gia; thực hiện các nghiên cứu chung. Với các nỗ lực hợp tác mạnh mẽ của Ủy hội, Trung Quốc đã đồng ý đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, dữ liệu cho Ủy hội, và bắt đầu từ tháng 11/2020 Trung Quốc chia sẻ số liệu thủy văn cả năm (trước đây chỉ chia sẻ trong mùa mưa) của 2 trạm Mãn An và Cảnh Hồng trên sông Lan Thương; chia sẻ số liệu vận hành bất thường (sửa chữa, sự cố,...) của đập thủy điện Cảnh Hồng. Hiện nay, Trung Quốc đang phối hợp với các quốc gia hạ nguồn tiến hành nghiên cứu chung về nguyên nhân thay đổi điều kiện thuỷ văn trên sông Mê Công - Lan Thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các diễn biến bất thường về TNN trên lưu vực và đề xuất các giải pháp thích ứng, đồng thời, xây dựng các cơ chế nhằm tăng cường chia sẻ thông tin số liệu về KTTV và khai thác, sử dụng, phát triển TNN trên LVS Mê Công - Lan Thương.

Các hoạt động của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam

Từ năm 2005, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiến hành đo đạc hàng năm tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc và Vĩnh Tế để theo dõi biến động dòng chảy mùa kiệt hàng năm từ Campuchia vào Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đang thường xuyên theo dõi diễn biến TNN sông Mê Công thông qua các mạng quan trắc của Ủy hội và các hoạt động đo đạc. Các số liệu quan trắc đã hỗ trợ Ủy hội, Ủy ban và các cơ quan liên quan trong các hoạt động: Dự báo, cảnh báo diễn biến TNN LVS Mê Công; cung cấp được những thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý trong nước cũng như các cơ sở khoa học cho cấp ra quyết định trong quá trình đàm phán, bảo vệ lợi ích quốc gia trước những ảnh hưởng do hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn; thực hiện các thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật liên quan của Úy hội sông Mê Công quốc tế như các thủ tục: Giám sát sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính, chất lượng nước; và phục vụ công tác lập quy hoạch, cảnh báo, dự báo TNN và các hoạt động liên quan khác.

Nâng cao hiệu quả hợp tác

Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiếp tục tăng cường mạng lưới quan trắc và giám sát về KTTV, phù sa - bùn cát, thủy sản và môi trường sinh thái, nhằm theo dõi các biến động trong lưu vực và hỗ trợ đánh giá tác động của các dự án phát triển; tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc chia sẻ thông tin và số liệu đầy đủ, kịp thời của các quốc gia, đặc biệt là về vận hành các công trình thủy điện trong lưu vực. Cụ thể: Dự kiến, Ủy hội sẽ bổ sung thêm 11 trạm quan trắc KTTV, 07 trạm quan trắc hạn, 07 trạm quan trắc chất lượng nước tự động và 03 trạm giám sát sức khỏe hệ sinh thái thủy sinh trên toàn LVS Mê Công. Đồng thời, Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiếp tục cải tiến các công cụ và mô hình dự báo lũ, hạn và thời tiết cục đoan tăng cường kết nối, chia sẽ thông tin với các trung tâm dự báo quốc gia; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp trong vận hành các công trình khai thác sử dụng nước, đặc biệt là các hồ chứa, nhằm góp phần phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong lưu vực.

Bên cạnh đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tăng cường theo dõi, giám sát các hoạt động phát triển trên thượng nguồn, mở rộng mạng quan trắc, áp dụng công nghệ mới, hiện đại (viễn thám, ảnh vệ tinh); trao đổi, đàm phán hướng tới xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên toàn LVS Mê Công - Lan Thương đảm bảo sử dụng tối ưu TNN, hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và giảm thiếu tác hại do thiên tai; triển khai kế hoạch chia sẻ số liệu vận hành thời gian thực của các công trình hồ chứa, các công trình khai thác sử dụng nước lớn trên lưu vực, cả trên dòng nhánh và dòng chính.

Với những hiệu quả do các mạng quan trắc TNN xuyên biên giới đem lại, thời gian tới đây, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tăng cường/phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong các hoạt động: Tăng cường, nâng cấp mạng quan trắc TNN và môi trường; lập chương trình giám sát môi trường chung cho các dự án thủy điện dòng chính Mê Công; thúc đẩy Ủy hội mở rộng và nâng cấp mạng quan trắc KTTV, nâng cấp cơ sở dữ liệu, đưa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo vào dự báo lũ hạn, nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trong các trường hợp khẩn cấp như xả lũ, vỡ đập,... Các hoạt động này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho không chỉ các công việc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phục vụ các cộng đồng, các tố chức, cá nhân và các bên liên quan.

NGUYỄN THỊ THU LINH
Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 năm 2025

 

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây