Theo thống kê của Sở TN-MT Đồng Nai, tính từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và tiến hành xử lý hơn 60 trường hợp vi phạm quản lý rác sinh hoạt trên địa bàn.
Cụ thể, qua nhiều đợt kiểm tra tình hình xử lý chất thải ra môi trường, Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT), Thanh tra Sở TN-MT, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã phát hiện 67 trường hợp vi phạm quản lý rác sinh hoạt, tiến hành xử phạt hành chính và thu về ngân sách nhà nước số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Theo báo cáo, cho đến hiện tại, có 2 đơn vị xử lý lưu giữ chất thải không đúng quy định, bị xử phạt 160 triệu đồng; 3 đơn vị thu gom vận chuyển rác nhưng không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý, bị xử phạt 55 triệu đồng; 57 hộ gia đình, cá nhân bỏ chất thải không đúng nơi quy định, bị xử phạt 102 triệu đồng; 5 cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển giao chất thải sinh hoạt không đúng quy định, bị xử phạt 743 triệu đồng.
Trước đó, theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại điểm a, Khoản 1, Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định, hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang, TP. Long Khánh) ông Hoàng A Pẩu cho biết, việc phân loại CTRSH và bỏ vào các bịch theo quy chuẩn, để rác đúng nơi quy định là việc làm cần thiết, không chỉ tiện lợi cho khâu thu gom, xử lý rác mà còn giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, rất phù hợp với xu hướng chung, tiến bộ.
“Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 quy định, cá nhân, hộ gia đình phải xem hành vi thực hiện giảm thiểu, phân loại CTRSH tại nguồn là trách nhiệm của mình, bắt buộc phải thực hiện, chứ không chỉ dừng lại ở ý thức chung chung, muốn làm cũng được mà không làm cũng chẳng sao. Qua đó sẽ góp phần tạo chuyển biến của cá nhân, tổ chức nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sống từ việc phân loại CTRSH tại nguồn”, ông Hoàng A Pẩu chia sẻ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết, quy định mới nêu trên của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 giúp ý thức, nhận thức bảo vệ môi trường của người dân thay đổi từ việc tự nguyện gom, để rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định sang trách nhiệm phân loại CTRSH, bỏ vào những túi riêng, để đúng nơi quy định, nghĩa là đã nâng tầm từ ý thức thành trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ. Trường hợp nào không chấp hành sẽ có chế tài xử phạt hành chính.
Để thực thi giải pháp phân loại CTRSH tại nguồn theo Điểm a, khoản 1, Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (gọi tắt là Nghị định 45), có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có hành vi không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng (Điểm a, khoản 1, Điều 26 Nghị định 45).
Qua nghiên cứu Nghị định 45, các chuyên gia pháp lý và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cho biết, Nghị định 45 quy định thời gian có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, tức là quy định đây là thời điểm nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.
Việc áp dụng chế tài xử phạt hành vi này chỉ khi có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thế nào là CTRSH, công tác phân loại. Do đó, kể từ ngày 25-8-2022, tiếp tục triển khai công tác truyền thông, giáo dục người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm phân loại CTRSH tại gia đình chứ chưa áp dụng quy định chế tài.
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, muốn xử lý hành vi không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, trước tiên Bộ TN-MT phải ban hành văn bản hướng dẫn về phân loại rác thải, CTRSH tại nguồn, hộ gia đình.
Từ đó, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn này, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… tại địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật chi tiết để hướng dẫn người dân thực thi trách nhiệm phân loại CTRSH.
“Theo quan điểm của Bộ TN-MT, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này. Tức là đến thời điểm ngày 1/1/2025, khi các cơ quan có thẩm quyền quy định hướng dẫn chi tiết việc phân loại CTRSH xong thì mới bắt đầu xử phạt hành chính hành vi này theo Nghị định 45”, luật gia Vòng Khiềng giải thích.
Cũng theo luật gia Vòng Khiềng, dù các cơ quan có thẩm quyền hiện chưa quy định chi tiết, cụ thể thế nào là CTRSH, cách thức phân loại…, nhưng về nguyên tắc nó sẽ được phân loại theo hướng: nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH không có khả năng tái sử dụng, độc hại… Vì lẽ đó, ngay từ bây giờ, việc giáo dục, truyền thông cho người dân hiểu, nâng cao ý thức, trách nhiệm phân loại CTRSH là cần thiết.
Để thực hiện tốt các quy định đã đề ra, đồng thời quán triệt các tình trạng vi phạm trong quản lý rác sinh hoạt tại khu vực, trong thời gian tới, các địa phương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định; không tuân thủ quy định về quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt.
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn