Để rác thải trở thành … tài nguyên

Thứ tư - 16/02/2022 04:58
Với phương châm “Rác thải là nguồn tài nguyên”, công nghệ xử lý rác bằng men vi sinh kết hợp sàng phân loại tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đang cho thấy những kết quả đáng ghi nhận trong việc xử lý rác thải hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Dây chuyền xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh kết hợp sàng phân loại tại Thanh Hóa
Dây chuyền xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh kết hợp sàng phân loại tại Thanh Hóa

Giải bài toán xử lý rác thải

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 26 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, đây chỉ là những lò đốt cỡ nhỏ (công suất 500 kg/h), các thông số về tính năng chưa đầy đủ, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật theo quy định QCVN61-MT: 2016/BTNM, có nguy cơ phát sinh các loại khí độc như: Dioxin, furan… khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Nhiều bãi chôn lấp vận hành không đúng kỹ thuật, không sử dụng hoá chất diệt côn trùng dẫn đến phát sinh ruồi muỗi, mùi hôi thối. Một số khu xử lý chất thải rắn không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác làm nước tự bốc hơi và thấm vào lòng đất.

Đến đây, bài toán đặt ra cho các nhà quản lý, chuyên gia về môi trường là phải làm sao vừa xử lý rác thải một cách triệt để, có hiệu quả lại vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để đi tìm lời giải, ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty CP Vệ sinh Môi trường Lam Sơn đã nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải bằng men vi sinh kết hợp sàng phân loại. Đầu tháng 12/2021, công nghệ được đưa vào hoạt động tại Khu xử lý rác phía Nam huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) tại xã Nga Văn, diện tích 3ha, với công suất xử lý rác từ 50-60 tấn/ngày.


Ông Nguyễn Duy Bình là chủ nhân của công nghệ này

Qua thời gian hoạt động, công nghệ cho thấy được nhiều ưu điểm nổi bật như: Khu vực xử lý không mùi hôi, không ruồi, muỗi, không nước rỉ rác. Tỉ lệ thu hồi sản phẩm phụ (mùn, nilon, nhựa) cao, tỷ lệ rác phải chôn lấp (đã không còn chất hữu cơ nên không phát sinh ô nhiễm) và tỷ lệ rác phải đốt khá thấp. Rác có thể ủ ngoài trời, không cần mái che vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng của khâu ủ, không tác động xấu tới môi trường xung quanh. Tổng vốn đầu tư của dây chuyền khoảng hơn 2,5 tỷ đồng.

Trước đó, công nghệ này đã được ông Nguyễn Duy Bình lắp đặt tương tự và thực nghiệm 2 năm tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Đối với dây chuyền này, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đánh giá: Đây là hệ thống xử lý rác hiện đại, mang lại hiệu quả tích cực, thân thiện với môi trường và sử dụng rác thải như nguồn nguyên liệu phục vụ cho trồng trọt, sản xuất nhựa, vật liệu xây dựng.

Điểm nhấn men vi sinh trong công nghệ

“Mấu chốt khiến cho rác không mùi hôi thối hay nước rỉ chính là từ công nghệ ủ men vi sinh. Loại men này có giá thành rẻ, thân thiện với môi trường, lại phù hợp với tính chất rác ở Việt Nam, nó tiêu diệt hầu hết vi khuẩn có hại và gây mùi có trong rác, giúp làm khô, giảm độ ẩm trong rác từ 70-80%. Công thức pha chế loại men này được chúng tôi nghiên cứu, thí nghiệm trên nền tảng các loại men có sẵn trên thị trường”. Ông Nguyễn Duy Bình, chủ nhân của công nghệ chia sẻ.

Công nghệ xử lý rác thải có nhiều ưu điểm

Cụ thể, quy trình công nghệ này gồm 3 công đoạn chính, đầu tiên là công đoạn xé bao: Rác vận chuyển về phần lớn được chứa trong các túi PP hoặc PE nên phải có công đoạn xé bao bằng thiết bị chuyên dụng để thuận lợi cho công đoạn ủ men vi sinh, đảm bảo rác được tiếp xúc với vi sinh.

Tiếp đến là công đoạn ủ men vi sinh: Lúc này chế phẩm vi sinh hòa tan trong nước với tỷ lệ 1kg/100 lít nước/5 tấn rác), phun đều vào rác theo từng lớp. Rác được đánh đống ủ trong 40-50 ngày. Nhiệt độ trong đống rác trong thời gian ủ có thể lên tới 75-80 độ C, độ ẩm giảm đáng kể. Trọng lượng rác giảm khoảng 30-35%, thể tích đống rác giảm khoảng 35-40%.

Cuối cùng là công đoạn sàng phân loại: Rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải, rác qua sàng được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh…); nilon, nhựa và rác hữu cơ ko thể tái chế. Nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế được đưa qua hệ thống sàng rung phân loại để tách riêng nilon và nhựa đưa đi tái chế, rác hữu cơ ko thể tái chế đưa vào lò đốt. Rác thải vô cơ đưa đi chôn lấp hoặc san lấp mặt bằng; nilon và nhựa đưa đi tái chế thành hạt nhựa; mùn hữu cơ đưa đi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.

Khác với dây chuyền được đặt tại huyện Thường Xuân vào năm 2019, công nghệ xử lý rác lần này tại huyện Nga Sơn đã được ông Nguyễn Duy Bình nâng cấp với nhiều cải tiến ưu việt hơn. Cụ thể, rác sau khi ủ men đã tơi xốp hơn, rác không bị bết dính, đổ ẩm giảm, công suất tăng gần gấp đôi nhưng điện năng tiêu hao ít (khoảng 19,5 kW/h). Đáng chú ý, dây chuyền được áp dụng hệ thống tự động hóa, giảm đáng kể nhân công.

Mùn hữu cơ được tạo ra từ rác được sử dụng làm phân bón cho cây trồng

Sau những kết quả thu được ngoài sức mong đợi, ông Nguyễn Duy Bình cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp công nghệ, tăng công suất, hướng tới mục tiêu đầu tư thêm từ 5 - 10 dây chuyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mong muốn xử lý tình trạng quá tải, ô nhiễm tại các bãi rác huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hà Trung, TP. Sầm Sơn, …

Box: Theo báo cáo sau quá trình thử nghiệm, diện tích đất cần cho công nghệ xử lý từ 2-3ha, với công suất hiện tại là 60 tấn/ngày. Trung bình 1 tấn rác sau phân loại thu được 200 - 300kg mùn hữu cơ; 100 - 150kg nilon, nhựa; 100 - 150kg rác hữu cơ không thể tái chế phải đốt; 100 - 150kg rác thải vô cơ làm vật liệu san lấp hoặc đốt.

Tác giả: Anh Hoàng - Sỹ Tùng

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây