Áp dụng công nghệ biến phế thải xây dựng thành sản phẩm hữu ích

Thứ ba - 08/02/2022 21:59
Phế thải xây dựng nếu được tái chế sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích, không gây ô nhiễm môi trường.
Phế thải xây dựng chiếm từ 12 – 15% tổng số lượng chất thải rắn đô thị. (ảnh minh họa)
Phế thải xây dựng chiếm từ 12 – 15% tổng số lượng chất thải rắn đô thị. (ảnh minh họa)

Nguồn phế thải bị lãng phí

Theo số liệu báo cáo từ Bộ TN&MT, mỗi ngày tại những đô thị lớn của Việt Nam như: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... lượng chất thải rắn phát sinh ra môi trường khoảng 50.000 – 60.000 tấn, phế thải xây dựng (PTXD) chiếm từ 12 – 15% tổng số lượng chất thải rắn đô thị. Trong khi đó, phương pháp xử lý phổ biến nhất hiện nay là chôn tại những bãi chôn lấp. Tuy nhiên, đó chỉ là một lượng rất nhỏ còn phần lớn PTXD vẫn hằng ngày đổ bất hợp pháp ra môi trường.

Theo một khảo sát của Viện môi trường quốc gia Nhật Bản kết hợp với các cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam tại 15 công trình xây dựng và phá dỡ tại Hà Nội cho thấy, 22% tổng lượng phế thải xây dựng được đổ tại các bãi thải không chính thống và xấp xỉ 7% không rõ địa điểm đổ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng – Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn xây dựng đã khá đầy đủ. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 08 năm 2017 hướng dẫn về quản lý chất thải xây dựng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ thầu xây dựng, chủ đầu tư, chủ thể thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng.

Mặc dù trong Thông tư có yêu cầu hàng năm các địa phương thực hiện báo cáo về tình hình quản lý chất thải rắn xây dựng nhưng đến nay, sau hơn 4 năm có hiệu lực, hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lĩnh vực này. Cơ sở dữ liệu hiện liên quan đến quản lý chất thải rắn xây dựng hầu như không có, rất khó khăn cho công tác quản lý. Tôi nghĩ rằng, Bộ xây dựng cũng nên thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 08. Từ đó thể sửa đổi, bổ sung để cho nó phù hợp.

Cần sớm có cơ chế

Theo TS.Tống Tôn Kiên - Khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng, PTXD rất phong phú và đa dạng về chủng loại. Chất lượng vật liệu này cũng rất khác nhau khi thu gom từ các nguồn, công trình. "Các thành phần chính của PTXD bao gồm các mảnh vỡ của bê tông xi măng; gạch đất nung, gạch ceramic ốp, lát; vữa xi măng - cát, vữa tam hợp vôi - xi măng; kính xây dựng; thạch cao xây dựng... Tất cả đều có khả năng tái chế thành các loại vật liệu thông dụng phù hợp với yêu cầu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Có thể dùng tất cả các loại phế thải xây dựng làm vật liệu san nền cho công trình, làm cốt liệu tái chế cho bê tông và vữa xây dựng" - TS Tống Tôn Kiên cho hay.

Áp dụng công nghệ biến phế thải xây dựng thành sản phẩm hữu ích - Ảnh 2

Công nghệ tái chế phế thải xây dựng đang được áp dụng nhiều ở Việt Nam. (ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, việc tận dụng phế thải làm vật liệu tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt đang ngày đêm bị khai thác, tận dụng các loại vật liệu phế thải tại công trường giảm chi phí vận chuyển, đồng thời, tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới từ nguyên liệu tự nhiên, tăng hiệu quả dự án. Tuy nhiên hiện thực hóa, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật để có thể tái sử dụng làm những loại VLXD phù hợp.

Các cốt liệu tái chế từ PTXD có cấu tạo rỗng xốp và nhẹ hơn cốt liệu tự nhiên. Phế thải từ kết cấu bê tông có thể dùng làm cốt liệu lớn cho bê tông. Phế thải từ hỗn hợp phế thải, phế thải tường và vữa có thể dùng làm cốt liệu nhỏ cho bê tông và vữa tái chế.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, tháng 4/2021, Sở Xây dựng Hà Nội đã giới thiệu mô hình sử dụng dây chuyền nghiền phế thải xây dựng ngay tại công trình. Theo đó, phế thải xây dựng thay vì phải vận chuyển tới bãi chôn lấp sẽ được nghiền nhỏ, có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Đại diện Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội (một đơn vị áp dụng công nghệ tái chế PTXD) cho biết, áp dụng công nghệ nghiền RM (Đức) mang tính đột phá. Máy RM có chức năng chính là nghiền nhỏ phế thải xây dựng như: Gạch, đá, bê tông, nhựa đường... thành nguyên liệu dạng hạt có đường kính 2-7cm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ nghiền phế thải, tạo thành sản phẩm phục vụ xây dựng đã đáp ứng được một số tiêu chí chính như: Tiết kiệm chi phí, thời gian, quỹ đất để xử lý chất thải và bảo đảm được vệ sinh môi trường. Thành phẩm sau khi nghiền có thể sử dụng thay cho cát đen hoặc đá dăm cấp phối dùng để trải nền đường. Tính về hiệu quả kinh tế, giá thành một mét khối vật liệu thay thế có được từ công nghệ nghiền phế thải thấp hơn 20-30% so với vật liệu cùng loại, cùng chất lượng.

Cũng đã có một số đơn vị đưa công nghệ chế biến PTXD thành sản phẩm hữu ích phục vụ xây dựng, tuy nhiên để phát triển các mô hình tái chế PTXD, cơ quan chức năng cũng cần phê duyệt đơn giá tiếp nhận, xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng làm cơ sở để các Cơ quan ban ngành áp đơn giá dự toán công trình dự án sử dụng vốn đầu công trình đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.

Cần ban hành cơ chế chính sách cụ thể, rõ trách nhiệm về quản lý, kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với các chủ nguồn phế thải của công trình, dự án trước, trong và sau khi thi công hoàn thành công trình. Đồng thời tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường thông qua việc tuyên truyền, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tái chế phế thải xây dựng nâng của chủ nguồn thải công trình. 

Giải quyết vấn nạn đổ phế thải xây dựng bừa bãi, ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, đối với các mô hình thí điểm đã đạt hiệu quả rõ nét, rất cần sự chung tay của cơ quan chức năng để họ có thể phát huy hơn nữa năng lực thực hiện, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng tài nguyên, phát triển bền vững. 

Tác giả: Xuân Hòa

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây