Tham dự Hội thảo có đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội Khoa học kỹ thuật và Điều hòa không khí Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Trường Cơ khí thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, các Hội, Chi hội điện tử và Điện lạnh các địa phương; các giảng viên nguồn thuộc các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề điện lạnh; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị lạnh và điều hoà không khí.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, sự gia tăng lượng tiêu thụ nhanh chóng của các chất đặt ra rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng nghĩa vụ tuân thủ của quốc gia. Từ năm 2024 không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC so với mức trung bình 03 năm 2020, 2021 và 2022; từ năm 2025 lượng tiêu thụ các chất HCFC giảm còn một nửa so với hiện nay. Do vậy, hoạt động phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức và tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên cần được tiếp tục đẩy mạnh để hạn chế sự rò rỉ, thất thoát ra môi trường, đảm bảo sự an toàn trong quá trình sử dụng là hết sức cần thiết. Kết quả Dự án cụ thể đã đào tạo, tập huấn gần 200 giảng viên nguồn và 3.018 kỹ thuật viên về “Nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí”; đồng thời Dự án đã phối hợp, triển khai nhiều hoạt động như đào tạo, hỗ trợ phương tiện thiết bị cho nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực điều hòa không khí, góp phần nâng cao năng lực và ý thức bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II) do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới với mục tiêu loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (HCFC-22, HCFC-141b trộn sẵn trong polyol) trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, làm lạnh, sản xuất xốp và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh, điều hòa không khí theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Trong đó, hoạt động đào tạo là một trong những hoạt động trọng tâm và được quan tâm triển khai mạnh mẽ của Dự án HPMP II bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ và tham mưu xây dựng chính sách về quản lý bảo vệ tầng ô-dôn.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo đánh giá, trên thế giới hiện có khoảng hơn 5 tỷ hệ thống làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt đang hoạt động với hơn 15 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực điện lạnh nhằm đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe và các tiện ích trong sinh hoạt của con người, đảm bảo năng suất lao động và môi trường thiết yếu cho thực phẩm, dược phẩm và dữ liệu kỹ thuật số, v.v. Theo ước tính của Hội Lạnh Quốc tế năm 2019, lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% lượng điện năng và phát thải 4,14 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm khoảng 7,8% lượng khí nhà kính của toàn thế giới. Các chuyên gia điện lạnh đã tận tâm thiết kế, xây dựng, bảo trì và cải tiến các hệ thống làm lạnh cũng như đào tạo những thế hệ kỹ thuật viên, học viên mới nhằm mục đích nâng cao hiệu quả làm lạnh trong khi vẫn phải đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững theo các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.
Đối với Việt Nam, trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước ta đã và đang thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal. Luật BVMT 2020 đã quy định tại Điều 91 Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Điều 92: Bảo vệ tầng ô-dôn; Điều 93: Tổ chức và phát triển thị trường các- bon. Tiếp theo đó, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ TNMT ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và chi tiết một số điều của Luật BVMT. Trong đó, quy định và khuyến khích chính sách về đào tạo nhân lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, Điều 28 Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định chủ sở hữu thiết bị có chứa chất được kiểm soát bắt buộc thu hồi các chất này từ ngày 01/01/2024. Nghị định khuyến khích tái chế, tái sử dụng sau khi thu hồi; trường hợp không tái chế, tái sử dụng được, thực hiện tiêu hủy. Từ ngày 01/01/2024, đối kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, cơ quan liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực thi cũng như các chính sách liên quan khác.
Báo cáo tại Hội thảo, Ban Quản lý Dự án HPMP II, trong thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hoà không khí Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) và các Hội, Chi hội Điện tử và Điện lạnh của các địa phương tổ chức thành công 40 khoá tập huấn cho 1.643 kỹ thuật viên đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, thông qua mạng lưới giảng viên nguồn tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, Ban QLDA đã phối hợp tổ chức 55 khóa tập huấn cho 1.375 kỹ thuật viên trên phạm vi 12 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Sóc Trăng và thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung các khoá tập huấn cho kỹ thuật viên bao gồm cập nhật quy định chính sách, cam kết quốc tế và môi chất lạnh thế hệ mới có tính cháy như R32, R290, R600a; Kỹ thuật lắp đặt gia công đường ống; Giảm thiểu rò rỉ môi chất lạnh; Kỹ thuật hút chân không, nạp môi chất và thu hồi môi chất lạnh. Qua các khoá tập huấn, các kỹ thuật viên được trang bị kỹ năng cơ bản làm việc với môi chất lạnh thế hệ mới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của kỹ thuật viên trong bảo vệ tầng ô-dôn, hạn chế phát thải các chất bị quản lý ra môi trường trong quá trình lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hoà không khí. Đặc biệt, các giảng viên đã chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm thực tế để phòng tránh một số nguy cơ mất an toàn trong lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí như nén thử kín bằng oxy, nguy cơ nổ diesel trong máy nén lạnh và dùng máy nén lạnh làm máy nén khí. Mạng lưới các đơn vị thuộc Hội Lạnh ở cấp Trung ương và địa phương luôn đóng vai trò nòng cốt giúp phổ biến thông tin cập nhật về khoa học kỹ thuật, quy định quản lý, đóng góp thiết thực vào việc quản lý hiệu quả các chất được kiểm soát, không để rò rỉ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra môi trường hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
TS. Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, quá trình triển khai Dự án HPMP II và cơ quan liên quan đã xây dựng được chương trình tập huấn phù hợp nhất, lựa chọn và huy động các phương tiện kỹ thuật thích ứng và sẵn có để mở các lớp tập huấn ngắn ngày tại nhiều địa phương. Nhu cầu thực tiễn rất lớn, thể hiện qua sự hưởng ứng của các cơ sở bảo dưỡng, lắp đặt, sửa chữa và các học viên.
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội có chuyên đề tham luận quan trọng về Tổng quan thị trường và xu hướng sử dụng thiết bị lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam. Theo đó, thị trường điều hòa không khí có tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 là 10 - 12%; Tổng số điều hòa không khí gia dụng hiện đang được sử dụng khoảng 22 - 25 triệu bộ; tương đương lượng môi chất nạp vào thiết bị trên 20.000 tấn và tỉ lệ rò rỉ cao với 7 -10%/năm lượng môi chất phát thải vào môi trường riêng trong lĩnh vực này 1500 - 2000 tấn. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn tới thực hành không tốt trong lắp đặt, vận hành, bảo trì thiết bị dẫn tới lượng rò rỉ môi chất lạnh trong lĩnh vực này chiếm phần lớn lượng MCL tiêu thụ tại Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội gợi mở 5 đề xuất như: Tăng cường công tác tập huấn tái đào tạo các cán bộ kỹ thuật trong thực hành tốt kỹ thuật lạnh & ĐHKK; Xây dựng lộ trình cấp các giấy chứng nhận/chứng chỉ thực hành nghề nghiệp lạnh & ĐHKK để thúc đẩy kiểm soát trình độ các các bộ kỹ thuật; Xây dựng chiến lược quốc gia về kiểm soát, loại trừ MCL HFCs theo từng lĩnh vực (sub sector) theo tiếp cận vòng đời và GWP mục tiêu; Thúc đẩy thị trường trao đổi tín chỉ các bon trong lĩnh vực Lạnh & ĐHKK, song hành với việc xây dựng các phương pháp(tiêu chuẩn, quy chuẩn...) kỹ thuật để tính lượng phát thải khí nhà kính GHG theo vòng đời thiết bị; xây dựng hệ thống chứng chỉ và đào tạo kiểm toán viên phát thải GHG; Xem xét nghiên cứu việc đánh thuế phát thải, để xây dựng quỹ chuyển đổi Quốc gia về công nghệ Lạnh –Xanh- Sạch.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu - bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn cho biết, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch HPMP II sẽ loại trừ tiêu thụ 1000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh; Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp; Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng công nghệ thay thế không ODP và GWP thấp; Tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất HCFC và tuyên truyền phổ biến công nghệ không sử dụng HCFC. Bên cạnh đó, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sang HFC-32 (R32); Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sang các chất thay thế không làm suy giảm tầng ô-dôn và có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp; chuyển đổi công nghệ sang công nghệ cyclopentane, HFO để loại trừ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol; đào tạo và hỗ trợ công nghệ…. Hiện nay, Bộ TN&MT hiện đang lấy ý kiến tham vấn về Quy chuẩn kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, dự kiến ban hành trong năm 2023.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe ý kiến tham gia đề xuất của các Hội/Chi hội điện tử và điện lạnh của các địa phương, trong đó đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cách thức thu nạp, kiểm soát xử lý dung môi loại thải; kỹ năng lắp đặt, bảo dưỡng phương tiện lạnh; chính sách mới về quản lý chất được kiểm soát, đặc biệt là nhu cầu cần được chia sẻ kinh nghiệm đào tạo kỹ thuật viên trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí và nhận định nhu cầu, xu hướng phát triển thiết bị lạnh thời gian tới.
Các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi công nghệ tại Công ty Điện lạnh Sài Gòn (SAREE)
Trước đó các đại biểu thăm quan thực tế mô hình, dây truyền công nghệ sản xuất xốp và các sản phẩm do Dự án đã thực hiện hỗ trợ, tài trợ tại Công ty Điện lạnh Sài Gòn. Dự án cùng các giảng viên Trường Đại học Bách khoa đã ban hành Sổ tay hướng dẫn nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị sử dụng môi chất lạnh HCFC và môi chất lạnh thay thế; được các cơ sở đào tạo và kỹ thuật viên ngành điện lạnh đánh giá cao với hàm lượng nội dung thông tin hữu ích, thiết thực.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn