Một góc bãi rác số 8 (quận Cái Răng), khu vực chồng lấp giữa bãi rác với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang)
Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 02 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) thuộc Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ với công suất lò đốt là 400 tấn/ngày và Khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ thuộc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Minh Thông có công suất các lò đốt 100 tấn/ngày. Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/07/2024, Nhà máy xử lý chất thải rắn tiếp nhận tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hơn 525 tấn/ngày của 05 quận, huyện là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai và Ô Môn. Đối với Khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ tiếp nhận tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hơn 120 tấn/ngày của 04 quận, huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền và Thốt Nốt. Đến hết ngày 31/12/2025, các lò đốt rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Thông sẽ ngưng hoạt động do hết thời gian quy định theo chủ trương đầu tư của UBND TP. Cần Thơ.
Cũng theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố là 117.963,3 tấn tương đương 648,15 tấn/ngày, so với công suất của 02 Nhà máy nêu trên thì lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay của thành phố dôi dư khoảng 148,15 tấn/ngày sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác ở các quận, huyện tạo thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư nếu không được đưa đi xử lý kịp thời.
Hiện lượng rác còn tồn đọng tại các bãi chôn lấp hiện hữu trên địa bàn thành phố tương đối lớn, hơn 958.697 tấn, trong đó, Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở quận Ô Môn hơn 36.157 tấn; Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ khoảng 700.000 tấn; tại quận Thốt Nốt khoảng 60.000 tấn. Ngoài ra, tại bãi rác số 8 (quận Cái Răng) có khoảng 162.540 tấn rác, trong đó, lượng rác của phần chồng lấp giữa bãi rác với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ- Hậu Giang) hơn 67.109 tấn. Các bãi rác này cần có biện pháp xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án mời gọi nhà đầu tư của thành phố.
Cũng theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, triển khai thực hiện Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12//2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND TP. Cần Thơ về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai với công suất xử lý năm 2020 khoảng 750 tấn/ngày đêm; đến năm 2030 khoảng 1.000 tấn/ngày đêm.
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP. Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Thới Lai khẩn trương lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) số 2 Cần Thơ tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ theo nhiệm vụ đã được giao tại Công văn số 303/UBND-XDĐT ngày 22/01/2024 và Công văn số 2162/UBND-XDĐT ngày 30/5/2024 của UBND TP. Cần Thơ. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ chủ trì phối hợp Sở TN&MT, các sở ngành, đơn vị có liên quan tham mưu về chủ trương đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) số 2 Cần Thơ tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ theo quy định.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn