Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Sáng 10/6, tại thành phố biển Nha Trang, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà phối hợp tổ chức Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” năm 2024.
Tham dự sự kiện, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Lê Công Thành cùng thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về phía tỉnh Khánh Hoà có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân; lãnh đạo sở, ban ngành của tỉnh Khánh Hoà.
Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Sự kiện còn có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khoá XV; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng; ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF); Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên… cùng đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, Quỹ Môi trường toàn cầu GEF tại Việt Nam...
Ngày Môi trường thế giới (05/6) và Ngày Đại dương thế giới (08/6) được phát động, tổ chức thường niên nhằm tôn vinh và kêu gọi sự quan tâm hành động tích cực của các quốc gia, cộng đồng trên thế giới hợp tác cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển
Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, ngày Môi trường thế giới 2024 đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", nhằm kêu gọi cộng đồng và mọi người dân cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh thái tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 25-50%. Hiện tượng El Nino kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thấp và hiện tượng triều cường đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, các đợt xâm nhập mặn vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km.
Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp của nước ta.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng bị khai thác tối đa, tài nguyên đất đối mặt với tình trạng suy thoái, nhiều quốc gia đang thực hiện chiến lược hướng ra đại dương nhằm tìm kiếm, khai thác các tài nguyên của biển để bảo đảm nhu cầu về các nguồn lực cho phát triển của quốc gia. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, biển có nhiều không gian để phát triển, cửa ngõ giao lưu quốc tế, vì vậy chúng ta cần thực hiện các giải pháp đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Các chiến sĩ bộ đội biên phòng xem triển lãm tranh tại buổi Lễ
Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển” nhằm phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển; bảo vệ môi trường biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Việt Nam.
Cơ hội để quyết tâm hành động vì mục tiêu phát triển bền vững
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hoá, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024
Đối với ngành tài nguyên và môi trường, thời gian qua, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các quan điểm, định hướng quan trọng đã được thể chế hoá tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên nước năm 2023; Luật Đất đai năm 2024 và đang trình Quốc hội dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Bộ đã hoàn thành xây dựng, tham mưu để trình Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đó là: Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch các lưu vực sông và nhiều Đề án quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các ban, bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động, đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường; triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên đất, phòng chống hạn hán, sa mạc hoá, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường biển. Theo đó, nhiều chương trình, chiến dịch trồng rừng, hồi sinh nguồn nước và phục hồi đất được triển khai mạnh mẽ, điển hình là thực hiện Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh. Bộ đã ký kết Chương trình, Kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội như: Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam…để huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc hoàn thành xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của các bộ, ngành, địa phương sẽ là cơ sở quan trọng cho việc định hướng, thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững; có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước và công tác đối ngoại.
Bốn giải pháp xây dựng tương lai bền vững “hài hòa với thiên nhiên”
Để ghi nhận những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Lê Công Thành trao tặng Biểu trưng của ngành tài nguyên và môi trường cho đại diện Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỉnh Khánh Hoà, Tổ chức WWF tại Việt Nam
Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân hãy hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hoá, góp phần bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, đảo; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tốt rác thải nhựa đại dương; nâng cao trữ lượng các-bon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon. Có nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên cả nước.
Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường đất; khoanh vùng khu vực đất bị ô nhiễm để có kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi. Tăng cường điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Một tiết mục văn nghệ tại buổi Lễ phát động
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường. Đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền ra biển và đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa. Ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.
Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp phân vùng, định hướng phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.
Thứ ba là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế, khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền, các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, các quốc gia trên lưu vực sông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn nguồn nước, an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung về biển, đại dương; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tham gia vào các nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải thông qua các nỗ lực trồng rừng, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.
Thứ tư là, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân. Đa dạng các phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội.
Đoàn kết để đạt được những thắng lợi trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu
Phát biểu hưởng hứng sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh Khánh Hòa rất vui mừng, vinh dự được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn là nơi tổ chức “Lễ Phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới, năm 2024”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên các chủ trương, giải pháp, kế hoạch bảo vệ môi trường, quản lý môi trường đã được triển khai chủ động, kịp thời, đồng bộ, các vấn đề về môi trường cơ bản được giải quyết.
Các bạn trẻ thành phố Nha Trang thăm quan triển lãm ảnh tại Lễ phát động
Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hoà sẽ có những chỉ đạo cho các Sở, ban, ngành và đoàn thể theo Nghị quyết liên tịch và các Chương trình phối hợp để làm thay đổi đáng kể từ tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường trong cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vào việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền
Thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Ngày Môi trường Thế giới năm 2024, thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào "Phụ nữ tham gia phân loại và xử lý rác tại nguồn", đồng thời thúc đẩy chương trình phối hợp "Tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027" giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, hướng đến mục tiêu: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe con người; Tạo thói quen, tinh thần tự giác phân loại rác thải tại nguồn cho mỗi gia đình và cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng
Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng cho biết, để công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ Đại dương đúng hướng, đúng trọng tâm, hàng năm, Trung ương Hội NCT tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn truyền thông và bảo vệ môi trường cho cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp Hội. Sau tập huấn các bộ phận đã tuyên truyền vận động đến các hội viên về bảo vệ môi trường sâu rộng trong tất cả các cấp Hội NCT. Người cao tuổi luôn gương mẫu trong phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” về bảo vệ môi trường tại cơ sở. Vận động con cháu tích cực thu gom rác thải, tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương xanh, sạch, đẹp.
Thay mặt cho Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) được mời tham dự sự kiện quan trọng, rất có ý nghĩa đối với ngành tài nguyên và môi trường, đó là hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Đại dương thế giới 8/6, ông Văn Ngọc Thịnh cho biết, WWF và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao những cam kết và quyết tâm hành động của Việt Nam thời gian qua về biến đổi khí hậu (Net Zero tại COP26) và Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF COP15) tại Kunming và Montreal, đặc biệt là thông qua việc ủng hộ sáng kiến 30x30 (nỗ lực đóng góp cho mục tiêu chung của toàn cầu là bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% diện tích trên đất liền và trên biển đến năm 2030).
Giám đốc tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) Văn Ngọc Thịnh
Cùng với các đối tác quốc tế khác, WWF vinh dự thấy rằng, những đóng góp của WWF tại Việt Nam dù còn khiêm tốn nhưng đã được ghi nhận, mang lại ý nghĩ và giá trị về môi trường, có tác dụng truyền cảm hứng và lan tỏa ra các vùng miền khác của cả nước.
Ông Văn Ngọc Thịnh cho rằng, chúng ta đã cố gắng nhiều và đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng chừng đó là chưa đủ để cứu lấy Hành tinh xanh này. Vì vậy, WWF sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa bằng quyết tâm và hành động không ngừng nghỉ cho sứ mệnh bảo tồn của mình ở Việt Nam, vì một hành tinh xanh tươi, vì tương lai của các thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi to lớn trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của các vùng, các địa phương cùng nhau phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần để Việt Nam phấn đấu hướng đến mục tiêu xây dựng tương lai bền vững “hài hòa với thiên nhiên”, đưa Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn