Việt Nam xây dựng Báo cáo Kỹ thuật NAP theo yêu cầu của UNFCCC. Qua đó, thông báo với quốc tế về tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tác động, tổn thất và thiệt hại, mức độ diễn biến thiên tai và rủi ro khí hậu.
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21. Các nhà khoa học cảnh báo, Trái đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 nếu thiếu các nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược các tổn hại về hệ sinh thái.
Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả; đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo tham vấn đối với dự thảo cuối cùng Báo cáo kỹ thuật Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu (NAP)”. Việt Nam sẽ gửi báo cáo này đến Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước khi diễn ra Hội nghị COP27 vào cuối năm nay.
Theo GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, NAP là kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam với quốc tế trong trung và dài hạn. Việt Nam xây dựng Báo cáo Kỹ thuật NAP theo yêu cầu của UNFCCC, qua đó, thông báo với quốc tế về tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tác động, tổn thất và thiệt hại, mức độ diễn biến thiên tai và rủi ro khí hậu. Báo cáo cũng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, thành quả và thiếu hụt về thích ứng cần có sự hỗ trợ của quốc tế.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định, có thể coi đây là báo cáo chính thức của Việt Nam về quá trình thích ứng của Việt Nam hiện nay, cách Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu dài hạn thích ứng với biến đổi khí hậu các cấp độ trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2022-2030. Báo cáo kỹ thuật của NAP bao gồm các tác động của khí hậu đối với các ngành và địa phương khác nhau ở Việt Nam, tình hình thực tế của các nguồn lực thích ứng, thiếu hụt trong việc thực hiện, các giải pháp và biện pháp giám sát và đánh giá, đặc biệt chú ý đến vấn đề bình đẳng giới, các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số và thanh niên.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, hoạt động xây dựng báo cáo nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam”, do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua UNDP. Báo cáo cũng góp phần rà soát, cập nhật NAP sau 2 năm đầu triển khai theo Quyết định 1055/QĐ-Ttg ngày 10/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, là thành phần chính trong bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, góp phần thúc đẩy các ưu tiên khí hậu một cách hiệu quả ở tất cả các cấp và các lĩnh vực.
Tại hội thảo, GS.TS Trần Thục và TS Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn đã chia sẻ nội dung Báo cáo kỹ thuật NAP, định hướng triển khai thực hiện Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Trên cơ sở này, đại diện các Bộ, ngành và các Sở TN&MT địa phương đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến.
Đa phần các đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo báo cáo và chia sẻ khó khăn trong việc tách bạch phần tổn thất, thiệt hại tăng lên do biến đổi khí hậu với thiệt hại vốn có của thiên tai. Kéo theo đó là công tác xác định nguồn lực dành cho thích ứng, làm sao lồng ghép hiệu quả vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới. Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần cập nhật thêm những thiếu hụt cụ thể hơn, bổ sung vai trò của các hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình trong công tác thích ứng, đồng thời, khi đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cho từng vùng kinh tế cần dựa trên những đặc trưng cụ thể cho từng vùng.
5 khuyến nghị trong tiến trình thực hiện cam kết khí hậu
Để đạt được khát vọng cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), ông Bruce Delteil - Giám đốc Điều hành McKinsey tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung vào 5 vấn đề ưu tiên sau:
Thứ nhất, phi carbon hóa cần là một ưu tiên đối với Việt Nam bởi biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam thông qua những rủi ro vật lý, cũng như rủi ro trong quá trình chuyển đổi.
Thứ hai, có lộ trình để đạt đến trạng thái phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua những nỗ lực liên ngành, huy động sự tham gia của toàn xã hội.
Thứ ba, lĩnh vực năng lượng điện cần được ưu tiên đặc biệt. Trong đó, để đạt được trạng thái “Zero”, Việt Nam cần lắp đặt 70GW điện mặt trời và 150 GW điện gió vào năm 2050.
Thứ tư, điện khí hóa phương tiện giao thông đường bộ sẽ là một lĩnh vực trọng tâm khác mà Việt Nam cần quan tâm nhất là trong bối cảnh đã tiên phong trong việc triển khai ứng dụng xe điện 2 bánh.
Thứ năm, cần có nỗ lực phối hợp giữa tất cả các ngành để đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa, đặc biệt trong việc thực hiện các đòn bẩy quan trọng như đường sắt cao tốc, giao thông công cộng và chuyển đổi sang sản xuất chế tạo tiên tiến.
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn