Giải pháp trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai - 21/10/2024 00:37
Tiếp tục theo dõi dòng chảy sông Mê Công; Tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu trong quan trắc; Xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước… là những giải pháp quan trọng sẽ được Bộ TN&MT tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Giải pháp trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bộ về chính sách

Theo phản ánh của cử tri, hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, các hiện tượng sạt lở, sụt lún, hạn mặn, thiếu nước ngọt thường xuyên xảy ra.

Phản hồi vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể như: Tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hoá giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thuỷ nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", khai thác lợi thế để phát triển bền vững; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; kiểm soát khai thác nước ngầm và tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hoà nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.

Cùng với đó là xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ biển, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng; phát triển rừng ngập mặn và các đa dạng sinh học ven biển gắn với bảo đảm đa dạng sinh học và sinh kế bền vững; hoàn thiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp công trình kết hợp sơ tán dân phòng chống lũ, bão.

Bộ TN&MT cũng có các văn bản gửi các Bộ và địa phương đề nghị triển khai, đôn đốc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; đồng thời chỉ đạo sát sao công tác dự báo, cảnh báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Việc dự báo, cảnh báo sớm giúp các địa phương chủ động có phương án ứng phó từ sớm, do đó, đã giảm thiểu các tác động tiêu cực do hạn hán, thiếu nước gây ra, điển hình như giai đoạn hạn hán năm 2019-2020, năm 2023-2024.

Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có quy định cụ thể về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông đối với các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, hồ, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hành lang bảo vệ nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước, xây dựng kịch bản nguồn nước; lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Các hành động trọng điểm

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng điểm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Tiếp tục theo dõi dòng chảy sông Mê Công để kịp thời dự báo, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu trong quan trắc, giám sát và chia sẻ thông tin về số lượng, chất lượng nước, các tác hại do nguồn nước xuyên biên giới gây ra trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong Hiệp định Mê Công 1995.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống; Xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long. Căn cứ kịch bản nguồn nước, đề nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, và nhất là nước cho sinh hoạt của Nhân dân trong vùng.

Bộ cũng sẽ tổ chức triển khai các giải pháp trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 174/2023/QĐ-TTg; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng… chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trên vùng đồng bằng sông Cửu Long; Nghiên cứu, triển khai các phương án xây hồ chứa để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước.

Song song với đó, Bộ TN&MT sẽ  đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, nhất là các quy định liên quan đến điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông; tổ chức khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi lòng sông; quản lý chặt chẽ các hoạt động nạo vét, khai thác cát, sỏi trên sông, ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.

Nguồn tin: monre.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây