Thông tư quy định chi tiết điểm g khoản 2 Điều 27, điểm c khoản 3 Điều 90, điểm c khoản 4 Điều 91, điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường; điểm d khoản 4 Điều 10, khoản 5 và khoản 6 Điều 11, điểm d khoản 5 Điều 22 và khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Thông tư gồm 05 Chương, 21 Điều và 03 Phụ lục với 3 nội dung chính:
Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được quy định từ Điều 4 đến Điều 8 Thông tư. Theo đó, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu là việc xác định mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định.
Về yêu cầu thực hiện đánh giá phải bảo đảm khách quan, có cơ sở khoa học; phản ánh đầy đủ, nhất quán thông tin, phương pháp sử dụng và kết quả đánh giá; thực hiện đầy đủ nội dung, trình tự đánh giá.
Đối với thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá gồm: Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố; Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện tượng cực đoan liên quan trong quá khứ và hiện tại; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực; Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành; Số liệu thống kê và các tài liệu khác có liên quan.
Tổ chức thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến: (i) Hệ thống tự nhiên gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên biển, đảo và các tài nguyên, yếu tố môi trường khác; (ii) Hệ thống kinh tế gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng, thông tin và truyền thông, du lịch, thương mại và dịch vụ, các hoạt động khác có liên quan; (iii) Hệ thống xã hội gồm phân bố dân cư, nhà ở và điều kiện sống, dịch vụ y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, đối tượng dễ bị tổn thương, giới và giảm nghèo.
Trình tự thực hiện đánh giá theo 9 bước: Xác định phạm vi đánh giá (phạm vi không gian và phạm vi thời gian); Xác định đối tượng đánh giá; Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu; Phân tích các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và các tài liệu liên quan khác; Lựa chọn phương pháp đánh giá; Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; Đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu; Đánh giá tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tại Phụ lục I.1 và Phụ lục I.2 cung cấp các hướng dẫn chi tiết về lựa chọn, xác định các chỉ số phản ánh tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu; xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Về báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu gồm các nội dung chính: Mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi và phương pháp đánh giá; Đặc điểm khu vực và đối tượng đánh giá; Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu và các tài liệu sử dụng trong đánh giá; Kết quả đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu; Đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá có trách nhiệm công bố báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên trang thông tin điện tử của mình.
Thông tư cũng quy định các điều khoản chuyển tiếp liên quan đến nội dung này. Cụ thể, kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu được thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xem xét, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia. Tại khoản 2 Điều 20 Thông tư quy định: Bãi bỏ quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.
Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở và báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính các lĩnh vực (Chương III). Cụ thể:
Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực do các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định với sự tham gia của đại diện Bộ quản lý lĩnh vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp. Bộ quản lý lĩnh vực tổ chức hiệu chỉnh kết quả kiểm kê khí nhà kính và lập báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo kết luận của Hội đồng thẩm định, làm cơ sở xây dựng báo cáo của Bộ quản lý lĩnh vực phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở do cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện (gọi là cơ quan thẩm định). Sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định, cơ sở hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính và gửi báo cáo đã hoàn thiện cho cơ quan thẩm định và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính đã được cơ sở hoàn thiện về Bộ quản lý lĩnh vực để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Quy trình thẩm định giảm nhẹ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do đơn vị thẩm định quy định tại Điều 14 Nghị định 06/2022/NĐ-CP thực hiện. Báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở sau khi được thẩm định phải gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực để tổng hợp, đánh giá phục vụ việc ban hành hạn mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và tạo điều kiện cho cơ sở tham gia thị trường các-bon trong nước.
Quy trình thẩm định báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và tổ chức các hoạt động của Hội đồng.
Danh mục, hướng dẫn sử dụng, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (Chương IV) gồm: Danh mục các chất được kiểm soát bao gồm: (i) Danh mục các chất làm suy giảm tầng ô-dôn cấm sản xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ; (ii) Danh mục các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được kiểm soát; (iii) Danh mục các chất gây hiệu ứng khí nhà kính được kiểm soát; (iv) Danh mục các sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát. Chi tiết các Danh mục này tại Phụ lục III.1 đến Phụ lục III.4.
Hướng dẫn sử dụng các chất được kiểm soát: bao gồm các biện pháp quản lý áp dụng đối với các chất được kiểm soát. Thông tin chi tiết về biện pháp quản lý và thời hạn áp dụng đối với từng chất được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư.
Thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát: chi tiết hóa đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Xử lý các chất được kiểm soát: quy định nguyên tắc xử lý các chất đã qua sử dụng và không thể tái chế, tái sử dụng phải được xử lý, không để phát tán ra môi trường. Việc xử lý các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Chi tiết nội dung Thông tư xem tại đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn