Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Thứ sáu - 15/10/2021 08:37
Ngày 14/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Thông tư gồm 5 chương, 18 điều, trong đó đã nêu rõ phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc giám sát; hình thức giám sát; hệ thống giám sát; nội dung giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh đó, thông tư còn có 03 phụ lục hướng dẫn cụ thể về yêu cầu đối với phần mềm giám sát và kết nối, chia sẻ thông tin giám sát; yêu cầu về hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát; và yêu cầu đối với thiết bị/hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Theo đó, Thông tư quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc một trong các trường hợp phải có giấy phép sau đây: (1) Công trình hồ chứa khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50 kW, bao gồm cả hồ chứa thủy lợi kết hợp với phát điện; (2) Công trình hồ chứa khai thác nước mặt có quy mô trên 0,1 m3 /giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100 m3 /ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác. (3) Công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt có quy mô trên 0,1 m3 /giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100 m3 /ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác. (4) Công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10 m3 /ngày đêm.

Nguyên tắc giám sát
Việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo các nguyên tắc như sau: Bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Bảo đảm tính hệ thống, kịp thời, đầy đủ và liên tục nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin, dữ liệu về mặt không gian và thời gian, giữa trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông; Bảo đảm tính thống nhất giữa yêu cầu về giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.  Các thông số giám sát được quan trắc, đo đạc trực tiếp hoặc tính toán gián tiếp qua các thông số đo đạc khác nhưng phải bảo đảm tính chính xác và trung thực.

Hình thức giám sát

Giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước là việc kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc của các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc giám sát quy định tại Thông tư này được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
Giám sát tự động, trực tuyến: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (sau đây gọi chung là hệ thống giám sát).

Giám sát định kỳ: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào hệ thống giám sát. Giám sát bằng camera: theo dõi hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp, liên tục vào hệ thống giám sát.

Hệ thống giám sát

Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước là một hệ thống thống nhất, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước với cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, bao gồm các thành phần sau: Hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ; phần mềm quản lý giấy phép, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở trung ương, địa phương (gọi chung là phần mềm giám sát); Cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát: thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương và địa phương; tập hợp các thông tin, số liệu đo đạc, quan trắc của công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các thông tin, dữ liệu khác phục vụ giám sát (gọi chung là cơ sở dữ liệu giám sát) ở trung ương, địa phương; Thiết bị đo đạc, kết nối, truyền trực tiếp, cập nhật số liệu từ cơ sở có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu giám sát thông qua hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ và phần mềm giám sát.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư xây dựng hệ thống giám sát ở trung ương. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đầu tư xây dựng hệ thống giám sát ở địa phương.

Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở trung ương do Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành

Thông tin dữ liệu từ hệ thống giám sát là một trong những căn cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ quy định của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật về tài nguyên nước.

Thông tư cũng quy định cụ thể về yêu cầu đối với hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ và phần mềm giám sát; Yêu cầu đối với cơ sở dữ liệu giám sát; Yêu cầu đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình; Chia sẻ, khai thác dữ liệu giám sát tài nguyên nước. Trong đó, nêu rõ: Hệ thống giám sát tài nguyên nước ở trung ương và ở địa phương bảo đảm yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Hệ thống giám sát ở trung ương bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác theo kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường; chia sẻ dữ liệu với hệ thống giám sát ở địa phương đối với các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn.
Hệ thống giám sát ở địa phương bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống giám sát ở trung ương; chia sẻ dữ liệu giám sát với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác theo kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về thông số giám sát, hình thức giám sát và chế độ giám sát đối với việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước đối với công trình hồ chứa để phát điện; giám sát hoạt động khai thác đối với công trình hồ chứa để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích khác; giám sát hoạt động khai thác đối với công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác; và giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất. Cùng với đó, quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý ở trung ương, cơ quan quản lý ở địa phương và trách nhiệm của cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư quy định: Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa xây dựng hệ thống giám sát hoặc đã xây dựng hệ thống giám sát nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Thông tư này phải hoàn thành việc xây dựng mới hoặc rà soát, nâng cấp hệ thống giám sát đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Thông tư này trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.
Cục Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu về thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương và địa phương trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 (đối với các giấy phép được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành) và chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành giấy phép (đối với các giấy phép được cấp từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành).
Cơ sở có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đảm bảo các yêu cầu về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền, cập nhật số liệu về hệ thống giám sát theo quy định tại Thông tư này trước ngày 31 tháng 12 năm 2023, đối với công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép, trước ngày 31 tháng 12 năm 2022, đối với công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Cơ sở có công trình khai thác nước dưới đất có giếng khoan khai thác được xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà không lắp đặt được thiết bị đo mực nước tự động hoặc không đo được mực nước thủ công trong giếng thì chủ công trình căn cứ vào điều kiện thực tế để khoan bổ sung giếng quan trắc trong cùng tầng chứa nước khai thác, có khoảng cách không quá 10 m đến giếng khai thác đó để quan trắc mực nước phục vụ giám sát. Việc khoan giếng quan trắc phải đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất và phải báo cáo đến Cục Quản lý tài nguyên nước (trường hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình (trường hợp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép) khi thực hiện kết nối, truyền số liệu vào hệ thống giám sát.
Cơ sở có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền, cập nhật số liệu về hệ thống giám sát theo quy định của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tiếp tục thực hiện hoặc được điều chỉnh theo quy định của Thông tư này để tiếp tục giám sát theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng11 năm 2021 và thay thế Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Chi tiết nội dung Thông tư tải tại đây.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây