Dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Thị Thanh Trà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nguyễn Thị Phương Hoa; Võ Tuấn Nhân; Trần Quý Kiên; Lê Công Thành; Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2021 sắp qua đi, để lại những dấu rất mốc quan trọng, sẽ làm thay đổi cơ bản đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu cũng như Việt Nam.
Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân của “khủng hoảng kép” nêu trên xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Chính vì vậy, chưa bao giờ môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các cấp từ Liên Hợp Quốc cho đến nguyên thủ quốc gia các nước như trong năm 2021.
“Cùng hành động vì Trái Đất”, “Đoàn kết ứng phó với biến đổi khí hậu”, đã trở thành khẩu hiệu của các Hội nghị quốc tế quan trọng do Liên Hợp Quốc tổ chức, trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ trên khắp toàn cầu. Phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, mục tiêu trung hòa các-bon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Điều đó được đặc biệt khẳng định với các cam kết hành động mạnh mẽ của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 vừa qua”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh |
Đảng và Nhà nước với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan nhạy bén đã xác định tài nguyên và môi trường là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giải quyết, chuyển hóa các thách thức an ninh phi truyền thống về môi trường, khí hậu đã trở thành những chủ đề được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tham gia thảo luận tích cực cùng với nguyên thủ quốc gia tại các diễn đàn, Hội nghị toàn cầu. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí mê-tan, tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng về môi trường và khí hậu tại COP26. Vì vậy, hai tiếng “Việt Nam” đã được các nhà Lãnh đạo thế giới nhắc đi, nhắc lại nhiều lần tại các Hội nghị, diễn đàn quốc tế; cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tham gia chủ động, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh dự là cơ quan đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ làm việc và chỉ đạo trong những ngày đầu trên cương vị công tác mới.
Sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, sự tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương đã tiếp thêm nguồn động lực to lớn cho ngành Tài nguyên và Môi trường vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ta. Toàn ngành đã triển khai toàn diện nhiệm vụ năm 2021, qua đó, tạo thế và lực để hướng đến năm 2022 với tâm thế mới cùng với sự lạc quan, tin tưởng vững chắc vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và toàn ngành TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, Ban, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, cảm ơn những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mỗi vị trí công tác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của ngành và sự phát triển chung của đất nước.
Đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, “luật chơi mới” về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Hơn ai hết, ngành Tài nguyên và Môi trường phải thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, phải trở thành những người tiên phong trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
|
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh |
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành quán triệt sâu sắc phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả”, quyết tâm triển khai các trọng tâm ưu tiên sau:
Một là, đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ các-bon, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon.
Hai là, cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên. Tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư cho tương lai bền vững.
Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, đi đôi với tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo.
Bốn là, chủ động, tích cực trong ngoại giao môi trường, tài nguyên, khí hậu; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường.
Năm là, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; triển khai các giải pháp đột phá nhằm tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đón đầu dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các đồng chí Lãnh đạo các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương với trí tuệ, tâm huyết tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để trên cơ sở đó cùng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai.
Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hội nghị nghe báo cáo kết quả công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành tài nguyên và môi trường; Báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành Tài nguyên Môi trường; phát biểu của đại diện Lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; công bố và trao tặng các Quyết định khen thưởng. Đặc biệt, Hội nghị sẽ nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các ý kiến đóng góp của đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương về triển khai nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn