Kế hoạch được xây dựng theo quan điểm quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả, lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí xung quanh.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục.
Rà soát, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí xung quanh tại các đô thị, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp.
Để hoàn thành các mục tiêu, Kế hoạch đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí; Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; Hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí; Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007, tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ quản trị; áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống chứng nhận theo TCVN ISO 14001; phát triển, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường; lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục.
Đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổ chức thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam; áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải.
Rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Kiểm soát chất lượng nhiên liệu đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Tổ chức thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển các phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng, nhiên liệu thân thiện với môi trường; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm bụi, khí thải trong hoạt động thi công xây dựng.
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các nguồn khí thải tại cụm công nghiệp, khu vực nông thôn, làng nghề; kiểm soát ô nhiễm không khí trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; triển khai các giải pháp hạn chế hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.
Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh.
Kiểm soát các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế.
Với nhóm nhiệm vụ, giải pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải.
Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
Về tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí, tăng cường công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nưóc; Xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc về chất lượng môi trường không khí phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.
Danh mục các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Kế hoạch này được ban hành tại Phụ lục của Quyết định số 1973/QĐ-TTg.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch có sự phân công rõ đối với các bộ, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh/ thành phố. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; xây dựng và ban hành quy định về quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc triển khai Kế hoạch này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề án được giao chủ trì, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ sở sản xuất tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất; chủ động thực hiện nâng cao năng lực, cải tiến đổi mới quy trình, trang thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải đảm bảo không gây ô nhiễm không khí; thực hiện thường xuyên việc quan trắc, giám sát khí thải./.
Nguồn tin: vea.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn