Hội thảo có sự tham gia của gần 180 đại biểu địa phương là đại diện của các Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ban quản lý, tổ chức được giao quản lý các khu di sản thiên nhiên.
Hội thảo nhằm phổ biến, hướng dẫn thực hiện nhiều nội dung mới, đặc thù về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các văn bản mới như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Tại hội thảo có tới hơn 30 câu hỏi, ý kiến thảo luận của địa phương liên quan đến các nhóm vấn đề: Việc điều tra, đánh giá và cách xác định di sản thiên nhiên, tổ chức quản lý, nguồn lực, trách nhiệm, nội dung của các hoạt động bảo vệ môi trường trong di sản thiên nhiên, đặc biệt tại những khu di sản thiên nhiên là khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất có các khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong các khu này; Cách xác định vùng đất ngập nước quan trọng và đề xuất vùng đất ngập nước quan trọng, công tác báo cáo và phân loại khu bảo tồn đất ngập nước; Hướng dẫn công tác kiểm kê, quan trắc, giám sát và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật quan trắc đa dạng sinh học trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; Lồng ghép nội dung đa dạng sinh học vào quy hoạch chung của tỉnh; Vấn đề xây dựng kế hoạch hành động của các địa phương để thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.
Các ý kiến này đã được Tổng cục môi trường giải đáp, ghi nhận. Kết thúc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài đánh giá các ý kiến trao đổi, thảo luận, thống nhất tại Hội thảo góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy đinh, chính sách về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, nhấn mạnh, trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học sẽ tiếp tục xây dựng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật để tăng cường kết nối, thúc đẩy công tác quản lý di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại địa phương.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn