Chỉnh sửa Đề án để phù hợp với tình hình mới
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Bộ TN&MT đã có Công văn số 1701/BTNMT-TCMT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, trong đó có nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam. Do đó, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 100/TTr-BTNMT ngày 25/12/2019 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, trong năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội ban hành; ngày 1/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng thời ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến dự thảo Đề án đã trình. Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nhiều nội dung về quản lý CTRSH. Do vậy, Bộ TN&MT sẽ chỉnh sửa lại nội dung Đề án cho phù hợp với các văn bản nêu trên.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc chỉnh sửa nội dung Đề án sẽ theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 09/NQ-CP và Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quản lý thống nhất Nhà nước về chất thải rắn và nâng cao trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương. Do đó, những nội dung về quy phạm pháp luật cần chi tiết, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật từ việc phân loại, thu gom, xử lý đến định mức kinh tế kỹ thuật, mô hình công nghệ. Hiện, Việt Nam có nhiều mô hình công nghệ xử lý CTRSH, việc áp dụng công nghệ phù hợp với thực tiễn của từng địa phương là điều quan trọng, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn thì cần tìm mô hình mang tính đột phá để có thể góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về CTRSH hiện nay.
Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Tại cuộc họp, góp ý chỉnh sửa Đề án, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Nguyễn Thạc Cường đề xuất đưa thêm nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng, miền trong Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn vào danh sách các nhiệm vụ đề án ưu tiên thực hiện.
“Bên cạnh đó, nhiệm vụ “Xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong việc xử lý chất thải theo hướng tiệm cận với các nước tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH” cần điều chỉnh lại tên cho phù hợp, bám sát theo nhiệm vụ của Chỉ thị 41/CT-TTg. Nhiệm vụ “Thí điểm áp dụng việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở nhân rộng trên toàn quốc” cần xem xét, điều chỉnh lại tiến độ thời gian thực hiện cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả”, ông Cường cho biết thêm.
Theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu cần phải bổ sung nội dung về đảm bảo việc quản lý CTRSH được thực thi theo đúng Luật Bảo vệ môi trường 2020. Bên cạnh đó, Vụ KH&CN và Vụ Tài chính nên rà soát lại các danh mục nhiệm vụ dự án để tránh chồng chéo, tập trung vào các giải pháp cấp bách. Ngoài ra, cần đưa vào nội dung học tập kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy ý thức trách nhiệm của người dân và xã hội. Hiện nay, nhiều nước đã sử dụng các ứng dụng quản lý chất thải sinh hoạt và rất thành công, kể cả công nghệ theo dõi dữ liệu về chất thải.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, hiện nay hệ thống quản lý CTRSH tại Việt Nam do một số lực lượng cùng tham gia như đồng nát, các làng nghề, đặc biệt cơ bản là các công ty môi trường thu gom, phân loại và cuối cùng được xử lý bằng chôn lấp, thiêu đốt, tái chế chuyển sang dạng năng lượng. Do đó, trong dự án nên có cái nhìn tổng quan về toàn bộ hệ thống này, làm rõ vai trò của từng nhóm đối tượng, từ đồng nát, công ty môi trường, UBND các cấp, người dân trong mối quan hệ này để đánh giá được thực trạng quản lý CTRSH hiện nay ra sao.
Đề án cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương để thực hiện hình thành các hệ thống hạ tầng tái chế, xử lý chất thải rắn. Hiện nay, việc tái chế chủ yếu là làng nghề, trong khi đó, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong xây dựng hạ tầng như cơ sở tái chế, bãi chôn lấp, thiêu đốt, nên trong Đề án cũng cần tập trung vào nội dung này. Ngoài ra, Đề án có khuyến khích đầu tư hình thức đối tác công - tư (PPP), vì vậy cũng cần mở ra cơ chế để địa phương có thể phối hợp với các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động thu gom, phân loại rác tại nguồn.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu, tập trung rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp để hoàn thiện Đề án, Tờ trình, Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn