Chính phủ ban hành Nghị định về giảm phát thải và bảo vệ tầng ô-dôn

Thứ tư - 12/01/2022 20:45
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định nêu trên quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm: Điều 91, Điều 92 và Điều 139.
Tiến tới vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: MH
Tiến tới vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: MH

Nghị định quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Trước hết, vào năm 2025, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Cùng với đó là triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Từ năm 2028: Sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028. Cùng với đó là quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Nghị định cũng quy định trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước. Theo đó, việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 2 Điều 12 được giao dịch trên sàn. 1 đơn vị hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng 1 tấn CO2 tương đương.

Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch. 1 tín chỉ các-bon bằng 1 tấn CO2 tương đương.

Các cơ sở có thể đấu giá để sở hữu thêm hạn ngạch phát thải khí nhà kính ngoài lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong cùng 1 giai đoạn cam kết. Các cơ sở có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết trong năm trước sang các năm tiếp theo trong cùng 1 giai đoạn cam kết. Các cơ sở có thể vay hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho năm tiếp theo để sử dụng trong năm trước đó trong cùng 1 giai đoạn cam kết.

Các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ các-bon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong 1 giai đoạn cam kết. Số lượng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở.

Nhà nước khuyến khích các cơ sở tự nguyện nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia

Vào cuối mỗi giai đoạn cam kết, các cơ sở phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ sau khi áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ. Ngoài việc phải nộp tiền thanh toán, lượng phát thải khí nhà kính vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ sẽ được trừ vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó.

Theo đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính đã phân bổ sẽ tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi khi các cơ sở dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
 

     Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được kiểm soát bao gồm: Bromochloromethane; carbontetrachloride (CTC); Chlorofluorocarbon (CFC); Halon; Hydrochlorofluorocarbon (HCFC); Hydrobromofluorocarbonn (HBFC); Methyl bromide; Methyl chloroform. Lộ trình quản lý, loại trừ các chất HCFC theo giai đoạn như sau:
       Trước hết, giai đoạn từ 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2024, tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 65% mức tiêu thụ cơ sở. Tiếp theo, giai đoạn từ 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2029, tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 32,5% mức tiêu thụ cơ sở… Cuối cùng, từ ngày 01/01/2040, cấm nhập khẩu và xuất khẩu các chất HCFC.
       Bên cạnh đó, chất Methyl bromide chỉ được nhập khẩu cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng xuất khẩu. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên…
       Nghị định này có hiệu lực từ ngày 07/01/2022.

Nguồn tin: monre.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây