Hội nhập quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải

Thứ ba - 30/07/2019 02:13

Quản lý hóa chất và chất thải là nội dung Việt Nam đã tích cực hội nhập trong thời gian qua. So với các khuôn khổ quốc tế khác, hóa chất và chất thải là lĩnh vực Việt Nam đã hội nhập khá sâu và rộng, thể hiện qua số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên chính thức trong lĩnh vực này.

Công ước Basel

Khái quát về Công ước và sự tham gia của Việt Nam

Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại (CTNH) và tiêu hủy chúng được thông qua tại Hội nghị Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền ở Basel vào năm 1989 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 05 tháng 05 năm 1992 nhằm mục tiêu giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; khuyến khích hủy bỏ các chất thải nguy hại gần nguồn phát sinh, giảm việc di chuyển các chất này qua các biên giới và bảo đảm cho chất thải được quản lý một cách tốt nhất để bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có 186 quốc gia tham gia Công ước này. Việt Nam đã tham gia Công ước BASEL ngày 13 tháng 3 năm 1995. Cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước này là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Công ước Basel năm 1989 là điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc pháp lý quan trọng nhất liên quan đến chất thải nguy hại và các chất thải khác. Trong thập kỷ đầu tiên kể từ khi có hiệu lực, trọng tâm chính của Công ước là cụ thể hóa các quy định kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại, tức là việc các chất thải được vận chuyển qua các đường biên giới quốc tế, và phát triển các tiêu chí quản lý chất thải phù hợp với môi trường. Gần đây, Công ước tập trung vào việc thực thi đầy đủ các cam kết điều ước, thúc đẩy quản lý chất thải nguy hại phù hợp với môi trường, cách tiếp cận theo vòng đời, và giảm thiểu việc tạo ra chất thải nguy hại.

Phạm vi công ước quy định bao gồm các chất thải thuộc bất kỳ một nhóm loại nào đề cập trong Phụ lục I, trừ khi chúng không chứa bất kỳ đặc tính nào theo quy định trong Phụ lục III (dễ cháy, dễ nổ, tính oxy hóa, ăn mòn, độc tính, độc tính cho hệ sinh thái và giải phóng khí độc khi tiếp xúc với không khí hoặc nước). Đối với các chất thải không thuộc quy định nêu trên, nhưng được xác định hoặc được coi là CTNH theo quy định của Bên xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh thì cũng bị chi phối bởi công ước này.

Khi tham gia công ước các bên liên quan phải có nghĩa vụ: Thông báo cho các bên khác về việc cấm nhập khẩu các CTNH hoặc những chất thải khác (nếu có); Cấm xuất khẩu các CTNH và chất thải khác vào các bên cấm nhập những chất thải đó; Cấm xuất khẩu các CTNH và chất thải khác nếu quốc gia nhập khẩu từ chối bằng văn bản (trường hợp quốc gia nhập khẩu chưa cấm nhập các loại chất thải này); Công ước cũng quy định không cho phép xuất khẩu, nhập khẩu CTNH hoặc những chất thải khác sang hoặc từ một quốc gia không phải là Bên tham gia Công ước.

Khi một chuyến vận chuyển xuyên biên giới CTNH hoặc những chất thải khác đã được các quốc gia liên quan đồng ý mà không thể hoàn thành theo đúng các điều kiện của hợp đồng thì quốc gia xuất khẩu phải bảo đảm rằng nhà xuất khẩu sẽ phải nhận lại các chất thải đó trong thời gian 90 ngày kể từ ngày quốc gia nhập khẩu thông báo cho quốc gia xuất khẩu và Ban Thư ký, hoặc bất cứ thời hạn nào do các quốc gia liên quan thỏa thuận. Quốc gia xuất khẩu và tất cả các Bên quá cảnh sẽ không được phản đối, gây khó khăn hoặc cản trở việc vận chuyển các chất thải này trở lại Quốc gia xuất khẩu.

Việc vận chuyển xuyên biên giới CTNH hoặc những chất thải khác sẽ bị coi là vận chuyển bất hợp pháp nếu: Không thông báo cho tất cả các quốc gia liên quan; Không có sự chấp thuận của một quốc gia liên quan; Khai báo sai; Không đúng thủ tục giấy tờ; Cố ý tiêu hủy CTNH hoặc những chất thải khác trái với quy định Công ước này và trái với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế.

Khi có xảy ra tranh chấp trong trường hợp do lỗi của nhà xuất khẩu, quốc gia xuất khẩu phải bảo đảm rằng các chất thải đó phải được: Chuyên chở trở lại quốc gia xuất khẩu; Tiêu hủy hợp lý theo các điều khoản của Công ước. Trong trường hợp do lỗi của nhà nhập khẩu hoặc nhà tiêu hủy thì quốc gia nhập khẩu phải bảo ñảm các chất thải này được tiêu hủy hợp lý về môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ khi việc vận chuyển bất hợp pháp này đã được quốc gia nhập khẩu phát hiện hoặc bất cứ thời hạn nào do các quốc gia liên quan đã thỏa thuận.

Tháng 5 năm 2019, 187 quốc gia đã thông qua sửa đổi Công ước Basel, hiệp ước năm 1989 nhằm giảm việc di chuyển nhựa và chất thải nguy hại xuyên biên giới. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2021, yêu cầu các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải xin phép các nước nhận rác. Theo Công ước Basel sửa đổi, quy định các hoạt động vận chuyển xuyên biên giới của chất thải nguy hại, nhựa bẩn được coi là không phù hợp để tái chế sẽ được thêm vào danh sách chất thải phải kiểm soát, cần có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất khẩu.

Việc sửa đổi, được khoảng 180 chính phủ thông qua hướng tới mục tiêu làm cho thương mại toàn cầu về chất thải nhựa trở nên minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn, đồng thời đảm bảo rằng việc quản lý nó an toàn hơn cho sức khỏe con người và môi trường.

Nội luật hóa, xây dựng chính sách, pháp luật

Từ khi tham gia Công ước Basel, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ của mình thông qua nhiều hoạt động, trước hết là xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật thích hợp để quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hiểm, đảm bảo việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết. Đây là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của các quốc gia thành viên của Công ước Basel. Sau ngày 13 tháng 3 năm 1995, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm việc quản lý chất thải một cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường. Các văn bản quan trọng nhất bao gồm: Thông tư số 1590/1997/TTLTBKHCNMT-BXD ngày 3/4/1997 về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp, Quyết định 152/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, Quy chế quản lý chất thải nguy hại ban hành kèm theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định 2575/1999/QĐ-BYT ngày 27 tháng 8 năm 1999, Quy chế bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực như dầu khí, xây dụng, du lịch và Quyết định số 03/2004/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 4 năm 2004 về việc ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân thực hiện quản lý chất thải. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản sinh ra chất thải, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc giám sát các hoạt này được quy định tương đối rõ ràng trong văn bản pháp luật, đặc biệt là đối với chất thải nguy hại. Để bảo đảm thực thi Công ước đạt hiệu quả cao hơn, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2006 đã pháp điển hoá một số quy định nằm rải rác trong các văn bản được ban hành trước đây.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý liên quan để thực thi các nghĩa vụ ngày càng cao của Công ước, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng theo quan điểm phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Cụ thể, chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản quan trọng liên quan đến kiểm soát vận chuyển chất thải xuyên biên giới để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Luật Hoá chất số 06/2007/QH12, Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13,  và Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14.

Thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế

Theo báo cáo của Ban Thư ký Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại, hàng năm, thế giới có khoảng 50 triệu tấn rác thải độc hại được tạo ra và có khoảng 8 triệu tấn được vận chuyển giữa các nước với nhau. Đó là con số có thể thống kê từ những phi vụ vận chuyển hợp pháp, còn trên thực tế, chúng ta chẳng thể biết, con số chính xác là bao nhiêu. Hầu hết, chúng được chở từ Châu Âu đến các nước Châu Phi và một số các nước Châu Á.

Theo thống kê của Mạng lưới thực thi Công ước Basel, một số lượng lớn tivi và đồ điện tử cũ do Nhật Bản thải ra đã được chuyển đến Trung Quốc và Việt Nam. Việc buôn bán chất thải giữa các nước chủ yếu tập trung vào các chất thải có thể tái chế, đặc biệt là các phế liệu kim loại, gồm có kim loại màu, kim loại đen, xỉ và cặn kim loại, phế liệu gốc kim loại như động cơ và xe cơ giới qua sử dụng, phế liệu phá dỡ tàu cũ.

Tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng 3 triệu tấn phế liệu, rác thải độc hại Việt Nam nhập về mỗi năm. Trong đó, có 1.000 hợp chất, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, chất hữu cơ cao phân tử có hại cho sức khỏe, được tìm thấy trong rác thải độc hại nhập về Việt Nam.

Để kiểm soát và quản lý việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại, thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước BASEL, Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động sau: (i) Kiểm soát hoạt động vận chuyển chất thải xuyên biên giới, cụ thể là Kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu, tạm nhập tái xuất (TNTX) chất thải. (ii) Kiểm soát hoạt động xuất khẩu chất thải nguy hại. Các hoạt động này được thực hiện thông qua sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành và cơ quan ở trung ương và địa phương như Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Biến đổi khí hậu), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng (bộ đội biên phòng), Bộ Công an (cảnh sát môi trường).

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất rất lớn, nhất là nhập khẩu các loại phế liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên trong số đó có nhiều loại phế liệu không đảm bảo quy chuẩn về môi trường, chưa được làm sạch, còn lẫn nhiều loại tạp chất hoặc các loại hàng hóa được “núp” dưới danh nghĩa là máy móc, thiết bị nhưng đã lạc hậu, cũ nát, tiêu hao năng lượng, không còn khả năng hoạt động hoặc bị các nước công nghiệp thải hồi. Bên cạnh đó, các loại CTNH cũng được đưa vào lãnh thổ Việt Nam như ắc quy chì thải, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng…được ngụy trang hoặc khai báo sai dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác hiện đang phải đối phó với “làn sóng phế liệu” chuyển hướng vào các nước trong khu vực sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu một số phế liệu nước ngoài từ 01 tháng 01 năm 2018. Do vậy, trong thời gian vừa qua lợi dụng chính sách TNTX hàng hóa, nhập khẩu phế liệu, nhiều đối tượng đã thuê vận chuyển số lượng lớn container phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, chất thải điện tử,... nhưng nêu lý do khai báo sai, không đúng với hàng trong hợp đồng mua bán hoặc nhầm tên công ty. Số hàng trên hiện đã và đang tồn tại ở nhiều cảng của hai địa phương Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bả Rịa - Vũng Tàu. Đây là kẽ hở để các doanh nghiệp xấu lợi dụng tẩu tán các loại hàng hóa mà các nước phát triển yêu cầu doanh nghiệp trả phí xử lý, tạo nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp.

Những khó khăn và thách thức

Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu được điều chỉnh bởi nhiều văn bản: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hoá chất, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Hàng hải,… nhưng chưa có sự gắn kết về quy định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhiều văn bản còn chồng chéo, các văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung, chưa cụ thể dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Ví dụ: Khái niệm “làm sạch” và tạp chất quy định tại Điều 75, Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014 trên thực tế rất khó áp dụng, không có giải thích thế nào là “làm sạch”, tỉ lệ tạp chất bao nhiêu được coi là “làm sạch”...

Việc hợp tác ở cấp quốc gia giữa các cơ quan có thẩm quyền và các Bộ, cơ quan có liên quan khác như hải quan và công an đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu như: Hải quan, Công Thương, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường chưa chặt chẽ, chưa có quy chế phối hợp, chưa có cơ chế chủ động trao đổi thông tin trong công tác chuyên môn nghiệp vụ…

Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu, bảo vệ môi trường với lực lượng phòng, chống tội phạm môi trường còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng thể nên vẫn tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng buôn bán trái phép chất thải.

Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong nước và hợp tác quốc tế nhìn chung vẫn còn mang nặng tính hình thức. Công tác phối hợp xử lý hàng hóa vi phạm còn hạn chế, đặc biệt là cơ chế xử lý sau khi phát hiện (tiêu hủy hoặc tái xuất sang nước thứ ba mà không thể tái xuát trở lại về nước xuất khẩu ban đầu).

Quy định làm thủ tục hàng hóa TNTX chưa ràng buộc trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp, đơn vị vận chuyển, không xử lý được chủ thể vi phạm là người nước ngoài, không bị nộp phạt và chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả nên chưa hạn chế được các vụ việc hàng hóa vi phạm các quy định về BVMT đưa vào Việt Nam

Công ước Stockholm

Khái quát về Công ước và sự tham gia của Việt Nam

Công ước Stokholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) ra đời và được các nước ký kết vào ngày 22 tháng 05 năm 2001 tại Stockholm, Thụy Điển. Tính đến nay, Công ước đã có sự tham gia của 179 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công ước Stockholm là một hiệp ước toàn cầu có mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các hóa chất độc hại là các chất POP gây ra, Công ước quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định của các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt hoặc xử lý chất thải.

Các chất POP được xác định có 4 tính chất khác nhau: (i) rất khó phân hủy nên tồn tại bền vững trong môi trường, (ii) có khả năng phát tán rộng, (iii) tích tụ sinh học cao trong các mô của sinh vật và (iv) có tinh chất độc hại cao. Công ước này chia các chất POP thành 03 nhóm (i) Các chất phải loại bỏ trong sản xuất và sử dụng (Phụ lục A), (ii) Các chất cần hạn chế sản xuất và sử dụng (Phụ lục B), và (iii) Các chất phát sinh không chủ định (Phụ lục C). Hiện nay, Công ước quy định quản lý an toàn trên quy mô quốc tế 23 nhóm chất POP, trong đó có hàng trăm đơn chất khác nhau, sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất công nghiệp, hóa chất hình thành và phát sinh không chủ đinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống. Danh sách các chất POP vẫn đang được tiếp tục cập nhật, bổ sung.

Việt Nam đã ký Công ước Stockholm ngày 23 tháng 5 năm 2001 và phê chuẩn Công ước này ngày 22 tháng 7 năm 2002, chính thức trở thành thành viên thứ 14 của Công ước. Nhận thức được các vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe liên quan đến chất POP, Chính phủ đã và đang xây dựng các chính sách, quy định và thực hiện một số hành động cụ thể nhằm mụcc tiêu quản lý an toàn POP.

Nội luật hóa, xây dựng chính sách, pháp luật

Với việc tham gia, ký kết Công ước Stockholm ngay từ những ngày đầu và sớm xây dựng, ban hành Quyết định số 184/2006/QĐ-TTG ngày 10 tháng 8 năm 2006, Chính phủ đã xác định việc giảm thiểu và tiến tới loại bỏ POP là một ưu tiên trong bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, thể hiện cam kết và hành động cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước. Trong Quyết định 184, ưu tiên cao nhất là xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật phù hợp để quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm đối với các chất POP. Quyết định này cũng xác định danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên cụ thể phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam và đưa ra hệ thông các hành động và giải pháp đồng bộ bao gồm chính sách, pháp luật, thể chế, công nghệ, tài chính, nâng cao nhận thức và hội nhập quốc tế để từng bước đáp ứng các yêu cầu của Công ước.

Về xây dựng chính sách và quy định về quản lý POP, căn cứ vào Quyết định 184, hệ thống các chính sách và quy định đã được các Bộ, ngành liên quan xây dựng, cụ thể:

Quản lý các hóa chất bảo vệ thực vật dạng POP trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, nhiều thông tư hướng dẫn, các tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan đã được ban hành.

Quản lý PCB, để quản lý PCB, một số Quy chuẩn kỹ thuật đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng về ngưỡng chất thải nguy hại, về nước thải công nghiệp, về xử lý chất thải nguy hại, về chất lượng trầm tích,... Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu ban hành Thông tư quản lý PCB và thiết bị, vật liệu và chất thải có PCB với hướng tiếp cận tổng quát về quản lý PCB theo vòng đời sản phẩm.

Kiểm soát các chất U-POP (Dioxin/Furan), để thực thi nghĩa vụ đã cam kết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một loạt các hướng dẫn kỹ thuật và quản lý, đồng thời ban hành các quy chuẩn để kiểm soát phát thải để quy định ngưỡng phát thải đối với Dioxin/Furan.

Quản lý ô nhiễm môi trường do Chất da cam/Dioxin sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan đến Dioxin.

Có thể nói, cho đến nay, khung chính sách và pháp lý về quản lý chất POP đã dần được củng cố và hoàn thiện. Cụ thể, nhiều chính sách và quy định pháp luật đã được ban hành cho việc: quản lý các hóa chất bảo vệ thực vật dạng POP trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý PCB, Kiểm soát các chất U-POP (Dioxin/Furan), quản lý ô nhiễm môi trường do Chất da cam/Dioxin sử dụng trong chiến tranh, và quản lý các chất POP mới.

Các hoạt động xây dựng chính sách, quy định này đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân liên quan và cộng đồng. Có thể nhận thấy rằng, việc tham gia Công ước Stockholm và nhận được các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế đã giúp cho việc xây dựng khung chính sách, pháp lý về quản lý an toàn POP và kiểm soát ô nhiễm hóa chất nói chung tại Việt Nam có tầm nhìn xa, toàn diện, hiệu quả và cụ thể hơn.

Thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế

Sau khi Công ước Stockholm được phê chuẩn và có hiệu lực, nhiều hoạt động đã được triển khai để thực thi các cam kết và nghĩa vụ trong khuôn khổ Công ước, cụ thể như đánh giá hiện trạng, xây dựng chính sách và quy định về quản lý POP, thiết lập cơ cấu và cơ chế thực hiện, tăng cường năng lực quan trắc POP, và thực hiện các hoạt động xử lý ô nhiễm POP. Cùng với các hoạt động trên, hoạt động về truyền thông nâng cao nhận thức và nghiên cứu khoa học-công nghệ về quản lý POP (về hiện trạng ô nhiễm và các chất POP mới) cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng triển khai thời gian qua.

Đánh giá một cách khách quan, có thể khẳng định rằng việc triển khai Công ước Stockholm về các chất POP trong 10 năm qua (2005 - 2015) tại Việt Nam đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Từ thực tế ban đầu là thông tin và nhận thức về các chất POP chỉ hạn chế trong một nhóm nhỏ các nhà khoa học và thiếu các cơ chế quản lý, sau 10 năm, lần lượt các chính sách về quản lý POP đã được xây dựng và trình Chính phủ Việt Nam ban hành làm định hướng và thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực có liên quan. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành được giao trách nhiệm và các tổ chức, cá nhân quan tâm đã cùng phối hợp xây dựng các quy định pháp lý, cơ chế thực hiện và triển khai các hoạt động như tăng cường cơ sở hạ tầng, quan trắc và xử lý ô nhiễm, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi liên quan đến POP và các hóa chất, chất thải độc hại có tính chất tương tự POP. Đánh giá cụ thể một số kết quả như sau:

Về xây dựng khung chính sách, pháp luật: Hoạt động về xây dựng chính sách, pháp luật, thể chế thực hiện Công ước đã tạo ra được cơ sở nền tảng và khá đồng bộ cho việc quản lý POP, hỗ trợ mở rộng tầm nhìn và bảo đảm các tác động tích cực, dài hạn của các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hóa chất và cũng là tác nhân xúc tác góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung.

Về xây dựng năng lực kỹ thuật: Việc xây dựng năng lực kỹ thuật và đảm bảo chất lượng phân tích POP đã được quan tâm đầu tư và tăng cường, góp phần thực hiện các hoạt động kiểm kê, quan trắc, đánh giá ô nhiễm sâu rộng hơn; hiểu biết về hiện trạng và rủi ro do POP gây ra đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường đã tăng cao hơn so với trước kia, vì vậy, đã góp phần đáng kể cho công tác kiểm soát ô nhiễm các chất POP và BVMT đối với hóa chất tại Việt Nam.

Phát triển cơ sở hạ tầng xử lý ô nhiễm POP: hoạt động phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm POP cũng được thực hiện có kết quả ở Việt Nam. Một số công nghệ khác đang trong giai đoạn triển khai áp dụng thử nghiệm để chuyển giao vào Việt Nam hoặc áp dụng vào thực tế. Các hoạt động về nghiên cứu, đánh giá, chuyển giao và áp dụng công nghệ để xử lý ô nhiễm POP và ô nhiễm hóa chất nói chung cũng ngày càng được triển khai phổ biến và mạnh mẽ hơn, trực tiếp góp phần loại bỏ một khối lượng các chất POP tồn lưu và giảm thiểu phát thải POP vào môi trường.

Nâng cao nhận thức về tác hại của POP: Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về POP đã được thực hiện thành công, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi cho nhiều tổ chức, cá nhân; góp phần đáng kể hình thành nền tảng cho các hoạt động nâng cấp về chính sách, pháp luật, thể chế hay tăng cường hoạt động khoa học kỹ thuật và sự tham gia của cộng đồng, hướng tới mục tiêu quản lý an toàn POP và bảo vệ môi trường nói chung.

Huy động nguồn lực: Với sự cam kết rõ ràng đối với Công ước và chủ động triển khai các hoạt động trong nước của Chính phủ, Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế, với tổng kinh phí từ các dự án khác nhau lên đến hơn 100 triệu USD, trong đó hơn 20 triệu USD từ GEF và hơn 80 triệu USD từ Hoa Kỳ và một số nước khác dành riêng cho hoạt động xử lý ô nhiễm Chất da cam/Dioxin tại một số điểm nóng. Điểm đặc biệt trong quá trình huy động nguồn lực quốc tế cho các dự án về quản lý POP là đến nay, toàn bộ số kinh phí nhận được đều là nguồn vốn ODA không hoàn lại, và vì vậy, không gây ra các gánh nặng về tài chính cho các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, nguồn vốn đối ứng cho các dự án bằng hiện vật, con người và tiền mặt của Việt Nam cũng rất đáng kể.

Những khó khăn và thách thức

Danh sách các chất POP cần quản lý vẫn đang được Công ước Stockholm tiếp tục mở rộng, do yêu cầu thực tế về bảo vệ môi trường và sức khỏe (gần đây nhất là quyết định bổ sung vào các phụ lục danh mục các chất methoxychlor, Dechlorane Plus, deca BDE và SCCPs), và vì vậy các thách thức về nguồn lực, công nghệ sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Việc quản lý và xử lý ô nhiễm POP và hóa chất độc hại là một quá trình lâu dài và tốn kém trong bối cảnh các nguồn tài chính hỗ trợ từ quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ ODA không hoàn lại cho công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện đang giảm dần và chấm dứt trong thời gian tới.

Tại Quyết định 184, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuộc Chính phủ theo từng lĩnh vực khác nhau, theo từng nhóm chất POP và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn tồn tại một số vấn đề về phối hợp liên ngành, chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý môi trường liên quan đến hóa chất và an toàn hóa chất, trong đó có chất POP trong một số lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa Trung ương với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong việc triển khai các hoạt động quản lý môi trường đối với POP và các hóa chất nguy hại cũng chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả.

Công ước Rotterdam

Khái quát về Công ước và sự tham gia của Việt Nam

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất cũng như kinh doanh của hóa chất trong 03 thập kỉ qua đã làm dấy lên mối lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn do hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu gây ra. Các quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng để giám sát việc nhập khẩu và sử dụng các hóa chất bị ảnh hưởng lớn.

Đáp lại những lo ngại này, UNEP và FAO đã phát triển và thúc đẩy các chương trình trao đổi thông tin tự nguyện vào giữa những năm 1980. FAO đã ban hành hướng dẫn về phân phối và sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 1985 and UNEP đưa ra hướng dẫn London về trao đổi thông tin về hóa chất trong thương mại quốc tế vào năm 1987. Năm 1989, hai tổ chức đã cùng nhau giới thiệu PIC (Prior Informed Consent), đồng ý tự nguyện thông báo thủ tục trở thành công cụ kiểm soát thông tin đối với 02 hoạt động này. Với công cụ này giúp các chính phủ đảm bảo có thông tin cần thiết để cho phép họ đánh giá rủi ro hóa chất và đưa ra quyết định sáng suốt về việc nhập khẩu trong tương lai.

Nhận thấy sự cần thiết phải kiểm soát, các quan chức tham dự Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức năm 1992 tại Brazil (Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio) đã thông qua Chương 19 của Chương trình nghị sự 21, đã đưa ra một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý đối với thủ tục PIC vào năm 2000. Do đó, Hội đồng FAO (năm 1994) và Hội đồng quản trị UNEP (năm 1995) đã ủy quyền cho người đứng đầu điều hành của họ tiến hành các cuộc đàm phán.

Các cuộc thảo luận bắt đầu vào tháng 3 năm 1996 và kết thúc vào tháng 3 năm 1998, sau bảy cuộc họp liên tiếp của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ và hai năm trước thời hạn do Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio quy định. Để giải quyết các vấn đề cấp bách đo, các chính phủ đã đồng ý thông qua Công ước Rotterdam và vận hành trên cơ sở tự nguyện với thủ tục PIC. Văn bản của Công ước về Thủ tục đồng ý thông báo trước đối với một số hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu trong thương mại quốc tế đã được thông qua và mở ký kết tại Hội nghị toàn thể tổ chức tại Rotterdam vào ngày 10 tháng 9 năm 1998. Công ước chính thức bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24 tháng 2 năm 2004 và là văn bản pháp lý ràng buộc đối với các Bên tham gia. Với số thành viên là 265 Cơ quan quốc gia (DNA), Công ước ra đời nhằm mục đích “đẩy mạnh nỗ lực hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa các Bên tham gia Công ước đối với một số hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu gây hại trong thương mại quốc tế thông qua trao đổi thông tin về đặc tính của các hóa chất, hỗ trợ các quốc gia trong quá trình xây dựng các quyết định về xuất nhập khẩu, góp phần sử dụng hóa chất hợp lý bảo vệ sức khỏe con người và môi trường”. Khi tham gia Công ước, mỗi quốc gia thành viên cam kết thực thi các nghĩa vụ chính như sau: Quy trình gửi thông báo xuất khẩu với lần xuất khẩu đầu tiên mỗi năm đối với hóa chất bị cấm/hạn chế trong nước. - Nhận thông tin về phản hồi nhập khẩu gồm các quy định sản xuất, buôn bán hóa chất tại các quốc gia tham gia Công ước và sẽ cập nhật 6 tháng/lần; Quy định không xuất hóa chất Phụ lục III (PLIII) đến nước không muốn nhập khẩu hóa chất này; Xây dựng quy trình gửi thông báo xuất khẩu hóa chất PLIII.

Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Rotterdam vào ngày 7 tháng 5 năm 2007. Để thực thi Công ước này, hai Bộ gồm Bộ Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm 02 Cơ quan đầu mối quốc gia (Công văn số 3367/VPCP-HTQT ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ), trong đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là đầu mối Cơ quan quốc gia phụ trách quản lý phần thuốc trừ sâu và Bộ Công Thương là đầu mối Cơ quan quốc gia thực hiện phần hóa chất công nghiệp thuộc Công ước Rotterdam.

Nội luật hóa, xây dựng chính sách, pháp luật

Thực thi nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước Rotterdam, Việt Nam đã tiến hành nội luật hóa những nghĩa vụ thông qua việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống chính sách và pháp luật liên quan, cụ thể là: Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất. Thông tư số 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất.

Đến nay, đã có 39 hóa chất và hợp chất được Công ước đưa vào Danh mục PLIII. Khi một hóa chất được đưa vào Phụ lục này, tất cả các bên tham gia Công ước sẽ nhận được tài liệu hướng dẫn quyết định bao gồm những thông tin về hóa chất này và quyết định áp dụng cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, Công ước còn tăng cường trao đổi thông tin nhiều mặt về hóa chất thông qua các quy định của Công ước đối với các nước thành viên. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có kế hoạch xây dự thảo Nghị định quản lý hóa chất công nghiệp thuộc Công ước Rotterdam.

Thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế

Từ khi chính thức tham gia Công ước Rotterdam, hệ thống chính sách, pháp luật về quan lý hóa chất của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện và cùng với đó là công tác quản lý các loại hóa chất, trong đó có các loại hóa chất thuộc khuôn khổ Công ước đã từng bước được cải thiện và đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh những chính sách, pháp luật liên quan đang được tiếp tục hoàn thiện, hệ thống các cơ quan quản lý cũng được hình thành từ trung ương đến địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các loại hóa chất nói chung thời gian vừa qua.

Những kết quả của công tác quản lý loại hóa chất công nghiệp nói chung trong thời gian qua thể hiện trách nhiệm và tính nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước này. Mặc dù vậy, với xu thế hội nhập sâu hiện nay, nhiều loại hóa chất đang tiếp tục được bổ sung vào Phụ lục danh mục qua mỗi kỳ họp thường niên (hiện tại vẫn còn 16 loại hóa chất mà Việt Nam vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ quốc gia về gửi thông tin), do vậy, để thực hiện nghiêm túc những nghĩa vụ đã cam kết và những nghĩa vụ bổ sung mới sẽ là thách thức không nhỏ cho những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Những khó khăn và thách thức

- Mặc dù hệ thống chính sách, quy định pháp luật liên quan đến quản lý hóa chất đã khá hoàn thiện, tuy nhiên, một số quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát hóa chất, bao gồm cả trong danh mục Công ước Rotterdam vẫn chưa được xây dựng, làm giảm hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với vấn đề này.

- Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ quốc gia thành viên gửi thông tin các quy định pháp luật quản lý 16 hóa chất công nghiệp thuộc Công ước Rotterdam mặc dù đã chính thức tham gia Công ước từ năm 2010. Những hóa chất này cần sớm được nghiên cứu xem xét để bổ sung vào danh mục trong thời gian tới đây.

- Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ quan quản lý hóa chất công nghiệp nói chung và hóa chất công nghiệp thuộc Công ước Rotterdam thời gian vừa qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế và do vậy ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Công ước.

- Quản lý hóa chất nói chung và hóa chất công nghiệp nói riêng có liên quan đến một số Bộ, ngành và do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này trong công tác quản lý và đặc biệt trong quá trình thực thi các nghĩa vụ quốc tế trong khuôn khổ một số Công ước liên quan. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp này cho đến nay vẫn chưa được được thiết lập một cách chính thức.

Công ước Marpol

Khái quát về Công ước và sự tham gia của Việt Nam

Công ước Marpol 73/78 ra đời năm 1973, là kết hợp của hai hiệp định quốc tế là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và Nghị định thư của Công ước được thông qua năm 1978, hiện nay gộp chung thành một văn kiện duy nhất. Công ước Marpol 73/78 ra đời năm 1973, là kết hợp của hai hiệp định quốc tế là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và Nghị định thư của Công ước được thông qua năm 1978, hiện nay gộp chung thành một văn kiện duy nhất. Có thể cho rằng Công ước này là một trong những Công ước chủ chốt về bảo vệ môi trường biển. Công ước đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn ô nhiễm gây ra do vận chuyển hàng hóa là dầu mỏ, hàng nguy hiểm, độc hại, cũng như do nước, rác và khí thải ra từ tàu. Việt Nam đã tham gia Công ước này năm 1991 (ngày 18 tháng 3 năm 1991).

Theo sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, cũng như các vấn đề môi trường phát sinh trong thực tiễn hoạt động của ngành hàng hải (các tai nạn tràn dầu, các vấn đề ô nhiễm mới nảy sinh, ...), các yêu cầu kỹ thuật của Công ước Marpol 73/78 đã được bổ sung và sửa đổi liên tục. Cho đến nay Công ước Marpol 73/78 đã bao gồm 6 phụ lục:

Phụ lục I: Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, có hiệu lực từ ngày 02 tháng 10 năm 1983 (Phụ lục I sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007). Phụ lục I bao gồm 07 Chương với 39 Quy định và 05 Phụ chương.

Phụ lục II: Các quy định về kiểm soát ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô, có hiệu lực từ ngày 06 tháng 4 năm 1987.

Phụ lục III: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do các chất độc hại được chuyên chở trên biển dưới dạng bao gói, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1992. Phụ lục III áp dụng cho các tàu chở các chất độc hại dưới dạng bao gói. Chất độc hại là các chất gây ô nhiễm biển nêu trong Bộ Luật quốc tế về chuyên chở hàng nguy hiểm bằng đường biển (Bộ Luật IMDG). Phụ lục III cấm vận chuyển các chất độc hại trừ khi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đưa ra trong Phụ lục.

Phụ lục IV: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 27 tháng 9 năm 2003.

Phụ lục V: Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 1988.

Phụ lục VI: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra, được phê chuẩn từ tháng 9/1997 và có hiệu từ ngày 19 tháng 5 năm 2005.

Với phương châm phát triển ngành hàng hải Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia Phụ lục I, II của Công ước này năm 1991 (ngày 18 tháng 3 năm 1991). Tiếp theo, Bộ Giao thông vận tải có Tờ trình số 9591/TTr-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2014 trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất gia nhập các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước. Chủ tịch nước có Quyết định số 2368/2014/QĐCTN ngày 16 tháng 10 năm 2014, đồng ý việc Việt Nam tham gia các Phụ lục III, IV, V, VI. Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đã có thông báo tới các thành viên, các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước Marpol có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2015.

Ngày 11 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước Marpol), theo đó Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước. Khi tham gia Công ước Marpol, Việt Nam phải thực thi các nghĩa vụ đã cam kết, cụ thể như sau: Có biện pháp đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết theo quy định của các Phụ lục của Công ướcl. - Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc đánh giá, kiểm tra, kiểm soát đối với các tàu biển phù hợp với các quy định của Công ước. Đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, thực hiện điều tra tai nạn, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm, bao gồm cả việc đào tạo các thanh tra viên thực hiện các công tác kiểm tra nhà nước cảng biển và các biện pháp đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống kỹ thuật của tàu. Thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ của các tàu treo cờ Việt Nam và các tổ chức/pháp nhân hoặc cá nhân Việt Nam liên quan đối với quy định của các Phụ lục. Thực hiện chức năng của quốc gia có cảng trong việc kiểm soát việc tuân thủ các phụ lục của Công ước Marpol của các tàu chạy tuyến quốc tế khi cập cảng Việt Nam. Cung cấp các thiết bị tiếp nhận tại các cảng biển và các bến cảng đối với rác thải, thiết bị tiết nhận các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại các cảng/nhà máy sửa chữa tàu, thiết bị tiếp nhận các cặn của hệ thống lọc khí xả đáp ứng nhu cầu sử dụng mà không gây ngừng trệ tàu. Thiết lập và thực hiện quy trình kiểm soát và theo dõi hoạt động của tàu thích hợp để hỗ trợ công tác điều tra tại nạn hàng hải liên quan đến sự cố ô nhiễm một cách nhanh chóng chính xác.

Nội luật hóa, xây dựng chính sách, pháp luật

Với trách nhiệm là quốc gia có tàu treo cờ, quốc gia có cảng, quốc gia ven biển, Việt Nam đã tiến hành nội luật hóa các quy định của Công ước Marpol và các quy định của các phụ lục Công ước Marpol vào trong các quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các Nghị định, thông tư hướng dẫn. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam liên tục rà soát, cập nhật, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng hải để phù hợp với thực tiễn và các sửa đổi của công ước Marpol, việc này được thể hiện qua chương trình và kế hoạch xây dựng, sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.

Đối với các hướng dẫn cập nhật mới của IMO liên quan tới việc thực hiện Công ước: Ngay sau khi các hướng dẫn, chú giải của các Tổ chức quốc tế được ban hành, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đều tiến hành phổ biến các hướng dẫn này cho các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng hải qua các đợt tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, thanh tra kiểm tra việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực hàng hải và thông qua các website của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam...

Thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế

Thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước Marpol từ khi chính thức tham gia, thời gian qua Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra trong hoạt động hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định Công ước Marpol, bao gồm: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thu gom, tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu biển tại cảng biển. Rà soát, đề xuất, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định Phụ lục của Công ước Marpol. Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu để phù hợp với nội dung của các Phụ lục của Công ước Marpol. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư từ xã hội để đầu tư xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu biển; Xây dưng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các thông số đặc thù của khí thải từ động cơ diesel hàng hải; Xây dựng, bổ sung, sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu và nhiên liệu sinh học liên quan đến quy định về chất lượng nhiên liệu dùng cho tàu biển thuộc Phụ lục VI của Công ước Marpol; Xây dựng, hướng dẫn cho các nhà cung cấp nhiên liệu cho tàu biển tại Việt Nam đáp ứng các quy định tại Phụ lục VI của Công ước Marpol.

Tổ chức triển khai việc kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho tàu theo yêu cầu của Công ước Marpol và các phụ lục của Công ước; Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện nghĩa vụ kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển mang quốc tịch nước ngoài ra vào cảng biển Việt Nam. Xây dựng hệ thống, biện pháp bảo đảm thực thi quy định của Công ước Marpol và các phụ lục của Công ước, bao gồm công tác kiểm tra, kiểm soát để thực hiện trách nhiệm của quốc gia đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, trách nhiệm của quốc gia ven biển và trách nhiệm của quốc gia có cảng;

Thứ hai, xây dựng nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, thực hiện điều tra tai nạn, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm, bao gồm cả việc đào tạo các thanh tra viên thực hiện các công tác kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) và các biện pháp đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống, kỹ thuật của tàu;

Thứ ba, thiết lập và thực hiện qui trình kiểm soát và theo dõi hoạt động của tàu thích hợp để hỗ trợ công tác điều tra tai nạn hàng hải liên quan đến sự cố ô nhiễm một cách nhanh chóng, chính xác;

Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước Marpol và các phụ lục của Công ước tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và tàu thuyền hoạt động tại các cảng biển tại Việt Nam;

Thứ năm, đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Công ước Marpol và các Phụ lục của Công ước;

Thứ sáu, tập huấn, đào tạo cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của Công ước Marpol và các phụ lục của Công ước;

Thứ bảy, nghiên cứu, áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát, xử lý các chất thải phát sinh từ tàu; - Tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và các quốc gia khác trong khu vực nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực hiện Công ước Marpol và các Phụ lục của Công ước.

Những khó khăn và thách thức

Thứ nhất, các vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm, quan điểm nhìn nhận của thế giới về bảo vệ môi trường về trong việc phát triển và thực thi các biện pháp các-bon thấp trên tàu biển, giảm thiểu biến đổi khí hậu, công nghệ sạch, do đó yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng. Theo đó, Tổ chức Hàng hải quốc tế thường xuyên sửa đổi bổ sung các quy định, theo hướng ngày càng kiểm soát chặt hơn hoạt động của các tàu biển, đòi hỏi các chủ tàu phải thường xuyên phải cập nhật các thay đổi của quy định và phải lắp đặt, hoán cải, bổ sung và vận hành các trang thiết bị kiểm soát ô nhiễm môi trường trên tàu biển để có thể đáp ứng các quy định của Công ước (cụ thể như từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), tất cả các tàu phải sử dụng nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5%). Các nghĩa vụ bổ sung này hiện đang tạo nhiều áp lực cho các chủ tàu trong bối cảnh ngành hàng hải trong nước và thế giới gặp khó khăn.

Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực để nghiên cứu chuyên sâu, theo dõi và tổ chức triển khai thực hiện các văn kiện của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Các cán bộ thực thi chức năng nhà nước có cảng (PSCOs) thiếu trang thiết bị thiết bị kiểm soát ô nhiễm môi trường từ tàu biển để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Thứ ba, nguồn lực tài chính đầu tư cho hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu biển tại cảng biển và phục vụ cho cho việc tham gia thường xuyên các nhóm họp và phiên họp MEPC của IMO và COP còn rất hạn chế.

Một số điều ước quốc tế khác có liên quan

Ngoài những Công ước nêu trên, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này còn có một số khuôn khổ khác như Công ước Minamata và Nghị định thư Montreal do Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan đầu mối quốc gia.

Công ước Minamata

Năm 2009, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý toàn cầu về thủy ngân gọi là Công ước Minamata về Thủy ngân và lễ ký Công ước đã được diễn ra tại Minamata (Nhật Bản) tháng 10 năm 2013.

Nội dung chính của Công ước là đưa ra quy định kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, vận chuyển, sử dụng, lưu trữ và thải bỏ thủy ngân nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường do phát thải thủy ngân và các hợp chất thủy ngân. Các quốc gia thành viên sau khi ký kết sẽ phải có lộ trình đến giai đoạn năm 2020 - 2025 để thực thi các quy định của Công ước.

Hiện nay, Bộ Công thương được giao là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước này. Việt Nam chính thức ký kết tham gia Công ước ngày 11 tháng 10 năm 2013 và là một trong 98 quốc gia đầu tiên ký kết Công ước. Hiện nay đã có 128 quốc gia ký kết và 25 quốc gia phê chuẩn Công ước. Việc tham gia Công ước của Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn thể hiện nỗ lực và cam kết của Việt Nam đối với quản lý hóa chất toàn cầu.

Nghị định thư Montreal

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (một nghị định thư của Công ước Vienna về bảo hộ của các tầng ô-dôn) là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ô-dôn bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất nhiều các chất được cho là chịu trách nhiệm về sự suy giảm ô-dôn. Hiệp ước này được mở cho việc ký kết vào ngày 16 tháng 9 năm 1987, và đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 1 năm 1989, theo sau một cuộc họp đầu tiên tại Helsinki, tháng 5 năm 1989. Kể từ đó, nó đã trải qua bảy sửa đổi, trong năm 1990 (London), 1991 (Nairobi), 1992 (Copenhagen), 1993 (Bangkok), 1995 (Vienna), 1997 (Montreal), 1999 (Beijing).

Ngày 15 tháng 10 năm 2016, tại Kigali, Cộng hòa Rwanda, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất Hydrofluorocarbon (HFC) trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal, nhằm mục đích giúp tránh cho nhiệt độ Trái Đất gia tăng 0,5oC vào cuối thế kỷ này, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali chính thức có hiệu lực thi 61 hành từ ngày 01/01/2019 và cho đến nay đã được 81 Bên tham gia Nghị định thư Montreal phê duyệt.

Ngày 04/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được phê duyệt; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất hydrofluorocarbon (HFC) nhằm thực hiện quy định của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, giảm nhẹ các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây