Hoạt động phân tích Dioxin tại Việt Nam

Thứ bảy - 11/03/2023 04:07

Dioxin và các hợp chất tương tự dioxin (dioxins and related compounds – DRCs) là một nhóm bao gồm hàng trăm hợp chất hữu cơ độc hại và tồn tại bền vững trong môi trường, trong đó có 3 nhóm hợp chất là: PCDD (dioxin), PCDF (furan) và dl-PCB (PCB tương tự dioxin). Dioxin/furan là các hóa chất độc hại nhất được biết đến hiện nay trong khoa học. 

Hoạt động phân tích Dioxin tại Việt Nam

1. Sơ lược về dioxin

Dioxin và furan có tên gọi chung là dioxin, có cấu tạo là 3 dãy vòng thơm, trong đó 2 vòng có chứa các nguyên tử clo và 2 vòng này được kết nối với nhau bằng một 1-2 nguyên tử oxy. Tùy theo số nguyên tử Cl và vị trí không gian của những nguyên tử này, có 75 đồng phân dioxin (PCDD) (poly-chloro-dibenzo-dioxine) và 135 đồng phân furan (PCDF) (poly-chloro-dibenzo-furane) với độc tính khác nhau. Có khoảng 17 loại dioxin/furan thường được phân tích gồm 7 đồng loại dioxin, 10 đồng loại furan. Nhóm dioxin-like PCB (DL-PCB) có 12 chất gọi là nhóm WHO12 gồm các PCB-77, 81, 105, 114, 118, 123, 126, 156, 157, 167, 169, 189.

Trong các QCVN quy định tổng dioxin/furan theo đơn vị là TEQ, được hiểu là độ độc tương đương theo TCDD dựa vào hệ số độ độc tương đương (TEFs) theo tổ chức WHO, 2005. Hiểu đơn giản, TEQ là độ độc quy đổi về TCDD, được tính bằng nồng độ của chúng nhân với hệ số độc tương ứng với chất độc nhất là TCDD (2,3,7,8-Tetrachlorodibenzo-p-dioxin được quy ước là hệ số 1).

TEQ = ( C1 x TEF1 ) + ( C2 x TEF2 ) + ( C3 x TEF3 ) + ….

Ngoài ra, các chất này được Công ước Stockholm xếp vào nhóm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UPOPs) trong các hoạt động công nghiệp. Các dioxin/furan có thể được hình thành và phát thải ra môi trường từ các hoạt động như: thiêu đốt (chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, sinh khối như gỗ, rơm rạ,…); luyện kim (luyện thép, tái chế kẽm, sản xuất nhôm,…); sản xuất và sử dụng các hợp chất clo hữu cơ (sản xuất và sử dụng thuốc trừ sâu, tẩy trắng bột giấy,…). Các PCB trong quá khứ được sử dụng rộng rãi như một loại phụ gia lý tưởng của chất cách điện cho máy biến áp, tụ điện, chất lỏng thủy lực cho thiết bị nâng hạ và một số ứng dụng dân dụng. Cả 3 loại hoá chất này đều nằm trọng Phụ lục C của Công ước, tức cần giảm thiểu. Trong giai đoạn 2010-2011, Việt Nam đã thực hiện Dự án “Áp dụng Kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và Kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) nhằm giảm phát thải các POP cho 4 ngành: Luyện kim, Sản xuất giấy và bột giấy, Lò đốt rác và Sản xuất xi măng.

2. Phân tích thành phần dioxin trong môi trường 

Hiện nay, tại VN có 06 PTN được Bộ TNMT cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực phân tích được 17 cấu tử dioxin/furan (chất độc da cam) trong 9 thành phần môi trường (nước mặt, nước ngầm, nước dưới đất, đất, trầm tích, bùn, không khí xung quanh, khí thải) là Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (mã số VIMCERT 027), Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (VIMCERT 229), Phân viện Hoá Môi trường - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (VIMCERT 256), Viện Công nghệ môi trường (VIMCERT 079), Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh (VIMCERT 147), Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật, Thiết bị và Công nghệ môi trường Nguyễn Gia (VIMCERT 251).

Theo các nhà khoa học, độc tính của Dioxin/Furan rất cao nên giới hạn phát hiện của các phép phân tích phải đạt được ở mức độ siêu vết, tức là phải phân tích được đến giá trị nồng độ ppt (phần nghìn tỷ) đối với phân tích tổng Dioxin, và cỡ ppq (phần triệu tỷ) đối với từng dạng đồng phân. Việc tìm kiếm, phân tích các mẫu đất, nước, không khí... để tìm dấu vết Dioxin/Furan giúp cho việc kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững.Đánh giá sự phơi nhiễm và tác động của các cấu tử Dioxin/Furans tới sức khỏe con người là rất cần thiết, và phòng thí nghiệm phân tích về Dioxin/Furan cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn rất khắt khe về mặt kỹ thuật, trang thiết bị phân tích hiện đại, quy trình lấy mẫu, xử lý mẫu, tay nghề của cán bộ phân tích. Các quy trình được xây dựng để áp dụng trong phòng thí nghiệm dựa trên việc đánh giá xác định giá trị sử dụng (LOQ, LOD, độ lặp lại, độ thu hồi, độ không đảm bảo đo …) và các điều kiện phù hợp với năng lực của phòng thí nghiệm theo các phương pháp tiêu chuẩn theo US EPA.

Hiện nay, trên thế giới thường sử dụng sắc ký khí phân giải cao kết hợp với detector khối phổ phân giải cao >10.000 (HRGC-HRMS theo US EPA 1613B) để phân tích dioxin/furan. Đối với các mẫu có mức độ ô nhiễm tồn dư cao, có thể sử dụng sắc ký khí phân giải cao kết hợp với detector khối phổ phân giải thấp (HRGC-LRMS theo US EPA 8280B). Ngoài ra, EU cũng quy định sử dụng GC-MS để sàng lọc và GC-HRMS hoặc GC-MS/MS để xác nhận (Commission Regulation 589/2014) trong một số mẫu thực phẩm.

TT

Tên phương pháp

Loại mẫu

Số hiệu phương pháp

1Lấy mẫu và phân tích Dioxin/Furan (PCDD/Fs) trong mẫu khí thảiKhí thảiUS EPA 23
2Lấy mẫu và phân tích Dioxin/Furan (PCDD/Fs) trong không khí xung quanhKhông khí xung quanhUS EPA TO-9A

3

Phân tích Dioxin/Furan (PCDD/Fs) trong các mẫu môi trường bằng phương pháp Sắc ký khí ghép nối khối phổ độ phân giải cao (HRGC/HRMS)Nước, đất, trầm tích, sinh vật, tro, xỉ…US EPA 1613B:1994

4

Phân tích Dioxin/Furan (PCDD/Fs) bằng phương pháp sắc ký khí ghép nối khối phổ độ phân giải thấp HRGC/LRMSĐất và bùn ô nhiễm caoUS EPA 8280B:2007

5

Phân tích Dioxin/Furan (PCDD/Fs) trong mẫu sữa sử dụng phương pháp sắc ký khí ghép nối khối phổ độ phân giải cao (HRGC/HRMS)Sữa, sản phẩm từ sữaUS EPA 1613B:1994

6

Phân tích Dioxin/Furan (PCDD/Fs) trong mẫu máu sử dụng phương pháp sắc ký khí ghép nối khối phổ độ phân giải cao (HRGC/HRMS)Máu, huyết thanh của ngườiUS EPA 1613B:1994 và US CDC 28:2006

3. Một số Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về dioxin được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành:

  • QCVN 03:2022/BTNMT: Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất
  • QCVN 07:2009/BTNMT: Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại
  • QCVN 41:2011/BTNMT: Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lí chất thải nguy hại trong lò nung xi măng
  • QCVN 02:2012/BTNMT: Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế
  • QCVN 30:2012/BTNMT: Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp
  • QCVN 51:2013/BTNMT: Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây