Công ước Stockholm được các nước ký kết vào ngày 22/5/2001 và có hiệu lực vào năm 2004 quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải. Việt Nam đã ký Công ước này vào ngày 23/5/2001 và phê chuẩn Công ước này 22/7/2001, chính thức trở thành thành viên thứ 14 của Công ước.
Công ước Stockholm phân chia các hóa chất thành ba nhóm cần được loại bỏ (Phụ lục A), hạn chế (Phụ lục B) và giảm thiểu (Phụ lục C). Các Phụ lục này đều không cố định và có thể bổ sung thêm các hóa chất mới theo thủ tục được quy định tại Điều 8 trên cơ sở đề xuất của một thành viên và sau khi được Ủy ban rà soát các chất POP đánh giá. Do đó, danh sách 12 hóa chất ban đầu đã được bổ sung thêm vào các năm 2009 (9 chất), 2011 (1 chất), 2013 (1 chất) và 2015 (3 chất), 2017 (2 chất), 2019 (2 chất), 2022 (1 chất). Tổng cộng, tính đến năm 2023 có tổng cộng 31 chất, chia thành nhiều nhóm như Clo hữu cơ, dioxin/furan, PCB, PAH, PFAS,...
Thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, theo quy định tại Điều 7 của Công ước Stockholm, Việt Nam có trách nhiệm cập nhật Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, gửi Ban thư ký Công ước và định kỳ báo cáo việc thực hiện Kế hoạch này. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1598/QĐ-TTg ngày 17/10/2017 về "Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu tổng quát là quản lý an toàn theo vòng đời, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của Công ước Stockholm về các chất POP, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và các chuyên gia triển khai hiệu quả Kế hoạch này tại Việt Nam. Đồng thời, nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm vào Luật BVMT 2020 quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (tại Điều 69, 97, 98 Luật BVMT 2020).
Luật BVMT 2020 đã nội luật hóa các quy định về quản lý an toàn, kiểm soát các chất ô nhiễm khó phân hủy nhằm đáp ứng yêu cầu thiết thực về BVMT và phát triển bền vững, đồng thời bắt kịp xu thế quốc tế về quản lý hóa chất và chất POP cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên của Công ước.
Điều 69 Luật BVMT 2020 đã quy định yêu cầu về BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (khoản 5 Điều 97) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 98).
Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định chất POP phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm và danh mục các chất POP này được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
DANH SÁCH CÁC CHẤT POP THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC STOCKHOLM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên chất POP | Phụ lục | Thời điểm đưa vào Công ước Stockholm | Mục đích sử dụng chính, đặc điểm phát thải |
Các chất POP ban đầu | ||||
1 | Aldrin | A | 2001 | Bảo vệ thực vật và diệt côn trùng, sử dụng trong y tế (gọi tắt là POP-BVTV) |
2 | Chlordane | A | ||
3 | Dieldrin | A | ||
4 | Endrin | A | ||
5 | Heptachlor | A | ||
6 | Mirex | A | ||
7 | Toxaphene | A | ||
8 | 1,1,1 -trichloro2,2-bis (4-chlorophenyl) ethane (DDT) | B | ||
9 | Hexachlorobenzene (HCB) | A, C | Công nghiệp, POP-BVTV, phát sinh không chủ định (gọi tắt là UPOP) | |
10 | Polychlorinated biphenyl (PCB) | A, C | Công nghiệp, UPOP | |
11 | Polychlorinated dibenzo-p-dioxin (PCDD) | C | UPOP | |
12 | Polychlorinated dibenzofuran (PCDF) | C | ||
Các chất POP mới bổ sung | ||||
13 | Chlordecone | A | 2009 | POP-BVTV |
14 | Alpha hexachlorocyclohexane | A | ||
15 | Beta hexachlorocyclohexane | A | ||
16 | Lindane | A | ||
17 | Hexabromobiphenyl (HBB) | A | Công nghiệp | |
18 | Hexabromodiphenyl ete và Heptabromodiphenyl ete (POP-BDE) | A | ||
19 | Tetrabromodiphenyl ete và Pentabromodiphenyl ete (POP-BDE) | A | ||
20 | Pentachlorobenzene (PeCB) | A, C | Công nghiệp, POP-BVTV, UPOP | |
21 | Các axit Perfluorooctane sulfonic, muối của chúng (PFOS) và perfluorooctane sulfonyl fluoride (PFOSF) | B | Công nghiệp, POP-BVTV | |
22 | Endosulfan kỹ thuật và các hóa chất liên quan | A | 2011 | POP-BVTV |
23 | Hexabromocyclododecane (HBCD) | A | 2013 | Công nghiệp |
24 | Pentachlorophenol (PCP), muối của nó và các este | A | 2015 | Công nghiệp, POP-BVTV |
25 | Polychlorinated naphthalene (PCN) | A, C | Công nghiệp, POP-BVTV, UPOP | |
26 | Hexachlorobutadiene (HCBD) | A, C | ||
27 | Decabromodiphenyl ete (DBDE) | A | 2017 | Công nghiệp |
28 | Các paraffin mạch ngắn chứa clo (SCCP) | A |
DANH MỤC CÁC CHẤT POP VÀ NỘI DUNG ĐĂNG KÝ MIỄN TRỪ THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC STOCKHOLM
(Phụ lục XVII Kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ)
TT | Tên chất POP | Phụ lục của Công ước Stockholm | Lĩnh vực sử dụng | Hoạt động | Nội dung đăng ký miễn trừ của Công ước Stockholm |
1 | Hexabromodiphenyl ether và Heptabromodiphenyl ether (HBDE) | A | Công nghiệp | Sản xuất | Không. |
Sử dụng | Cho phép tái chế, sử dụng và tiêu hủy theo quy định của Công ước Stockholm. | ||||
2 | Tetrabromodiphenyl ether và Pentabromodiphenyl ether (POP-BDE) | A | Công nghiệp | Sản xuất | Không. |
Sử dụng | Cho phép tái chế, sử dụng và tiêu hủy theo quy định của Công ước Stockholm. | ||||
3 | Các axit Perfluorooctane sulfonic, muối của chúng (PFOS) và perfluorooctane sulfonyl fluoride (PFOSF) | B | Công nghiệp, nông nghiệp | Sản xuất | - Không được đăng ký miễn trừ riêng biệt. |
- Là hợp chất trung gian trong trường hợp đăng ký miễn trừ theo mục đích. | |||||
Sử dụng | - Được đăng ký miễn trừ riêng biệt đối với các lĩnh vực: | ||||
+ Mạ kim loại (mạ kim loại cứng) chỉ trong hệ thống khép kín; | |||||
+ Bọt chữa cháy (cho đám cháy loại B) trong các hệ thống đã lắp đặt, bao gồm cả hệ thống cố định và di động. | |||||
- Được đăng ký miễn trừ theo mục đích đối với lĩnh vực: Bả côn trùng bằng sulfluramid (số CAS 4151-50-2) như hoạt chất nhằm kiểm soát kiến xén lá từ Atta spp. và Acromyrmex spp., chỉ sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. | |||||
4 | Hexabromocyclododecane (HBCDD) | A | Công nghiệp | Sản xuất | Được sản xuất đối với lĩnh vực: Vật liệu cách nhiệt (expanded polystyrene - EPS và extruded polystyrene - XPS) trong xây dựng/tòa nhà. |
Sử dụng | Vật liệu cách nhiệt EPS và XPS được sử dụng trong xây dựng/tòa nhà. | ||||
5 | Polychlorinated naphthalene (PCN) | A, C | Nông nghiệp, phát sinh không chủ định | Sản xuất | Là hợp chất trung gian, bao gồm octafluoronaphthalene. |
Sử dụng | Sử dụng trong các sản phẩm chứa PCN trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm octafluoronaphthalene. | ||||
6 | Decabromodiphenyl ether (DBDE) | A | Công nghiệp | Sản xuất | Cho phép sản xuất theo quy định của Công ước Stockholm. |
Sử dụng | Được sử dụng trong các lĩnh vực: | ||||
- Các bộ phận của phương tiện giao thông (sử dụng làm vật liệu cách nhiệt, hệ thống dây điện, vải bọc...); | |||||
- Máy bay và các phụ tùng thay thế kèm theo (đối với máy bay đang sử dụng trước tháng 12/2018 và nhận trước tháng 12/2022); | |||||
- Các sản phẩm dệt may có chứa chất chống cháy, trừ quần áo và đồ chơi; | |||||
- Phụ gia trong các sản phẩm nhựa gia dụng, thiết bị điện và thiết bị gia dụng (thiết bị sưởi ấm, bàn là, quạt) chứa hoặc tiếp xúc trực tiếp với các bộ phận điện hoặc yêu cầu tuân thủ theo tiêu chuẩn chống cháy với nồng độ thấp hơn 10% trọng lượng của thiết bị; | |||||
- Bọt polyurethane cách nhiệt trong lĩnh vực xây dựng. | |||||
7 | Các paraffin mạch ngắn chứa clo (SCCP) | A | Công nghiệp | Sản xuất | Cho phép sản xuất theo quy định của Công ước Stockholm. |
Sử dụng | Được sử dụng trong các lĩnh vực: | ||||
- Phụ gia trong sản xuất cao su; | |||||
- Chất làm chậm cháy trong cao su, mực, keo dính và chất phủ bề mặt; | |||||
- Sơn chống cháy và chống thấm; | |||||
- Chế phẩm chứa dầu trong sản xuất da; | |||||
- Sản xuất các loại ống cho bóng đèn trang trí ngoài trời; | |||||
- Phụ gia trong dầu bôi trơn hoặc chất làm lạnh trong cắt kim loại hoặc tạo hình kim loại; | |||||
- Chất làm dẻo thứ cấp trong polyvinyl chloride, ngoại trừ trong đồ chơi và sản phẩm dành cho trẻ em. | |||||
8 | Perfluorooctanoic acid (PFOA), muối của chúng và các hợp chất liên quan đến PFOA | A | Công nghiệp | Sản xuất | - Không được sản xuất trong bọt chữa cháy. |
- Các lĩnh vực sản xuất khác được thực hiện theo quy định của Công ước Stockholm. | |||||
Sử dụng | Được sử dụng trong các lĩnh vực: | ||||
- Lớp phủ chụp ảnh được áp dụng trong tráng phim; | |||||
- Lớp phủ hình ảnh áp dụng cho phim; | |||||
- Dệt may (làm chất chống thấm dầu và nước); | |||||
- Thiết bị y tế dùng cho cấy ghép; | |||||
- Bọt chữa cháy (đám cháy loại B); | |||||
- Sản xuất polytetrafluoroetylen (PTFE) và polyvinylidene fluoride (PVDF): Dùng trong màng lọc khí hiệu suất cao, chống ăn mòn, màng lọc nước và màng lọc khí kháng khuẩn cho lĩnh vực y tế; thiết bị trao đổi khí thải công nghiệp; chất bịt kín công nghiệp có khả năng ngăn chặn rò rỉ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và bụi PM2.5; | |||||
- Sản xuất polyfluoroetylen propylene (FEP) dùng trong lĩnh vực dây và cáp điện cao thế để truyền tải điện; | |||||
- Sản xuất fluoroelastomers để sản xuất vòng chữ O, đai và phụ kiện nhựa cho nội thất ô tô; | |||||
- Sản xuất dược phẩm. |
Trong danh sách các chất POP, các chất như PCB, dioxin, furan, HCB, PeCB, PCN thuộc nhóm phát thải không chủ định (U-POP) tức vô ý sản xuất ra (Unintentional/ Unintened). Công ước cấm việc sử dụng đối với đa số các chất trong danh sách, hoặc hạn chế sử dụng (DDT). Quan điểm của WHO nhất quán với Công ước Stockholm về POPs, cấm DDT cho tất cả các mục đích sử dụng, ngoại trừ kiểm soát bệnh sốt rét. DDT là một trong 12 loại thuốc trừ sâu được WHO khuyến cáo cho các chương trình phun tồn lưu trong nhà (IRS). Hiện vẫn có 19 nước còn sử dụng DDT như 14 nước vùng hạ Sahara và Ấn Độ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn