Điểm mới trong 3 Quy chuẩn về nước thải QCVN 40, QCVN 14, QCVN 62

Thứ hai - 24/03/2025 03:36
Từ 01/09/2025, ba Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới về nước thải chính thức có hiệu lực bao gồm: QCVN 40:2025/BTNMT, QCVN 62:2025/BTNMT, QCVN 14:2025/BTNMT. Doanh nghiệp cần làm gì để tuân thủ quy định mới?
dewatermark ai 1742792007054


LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI VÀ ÁP DỤNG QUY CHUẨN MỚI VỀ NƯỚC THẢI

1. Ngày 01/09/2025 - Thông tư có hiệu lực, các quy chuẩn mới được ban hành

  • Nước thải công nghiệp:

    • QCVN 40:2025/BTNMT thay thế các quy chuẩn cũ về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT  và 11 loại hình nước thải đặc thù khác, bổ sung các thông số ô nhiễm đặc trưng, một số thông số ô nhiễm khác có thể phát sinh (Phụ lục 2) theo mã ngành kinh tế quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

    • Dự án đầu tư mới bắt buộc áp dụng QCVN 40:2025/BTNMT ngay từ thời điểm này.

  • Nước thải chăn nuôi:

    • QCVN 62:2025/BTNMT thay thế QCVN 62-MT:2016/BTNMT. Đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ, xử lý nước thải để đạt Quy chuẩn hoặc thu gom nước thải, đưa về thiết bị, công trình khí sinh học (hầm biogas) hoặc bể ủ, bể lắng có tổng dung tích hiệu dụng bảo đảm không nhỏ hơn 1,5 m3 trên một đơn vị vật nuôi.   

    • Các dự án chăn nuôi mới, mở rộng hoặc nâng công suất phải áp dụng QCVN 62:2025/BTNMT.

    • Trường hợp chưa xác định phân vùng xả thải nước thải, áp dụng Cột B của Bảng 1 trong QCVN 62:2025/BTNMT.

  • Nước thải sinh hoạt, đô thị, khu dân cư tập trung:

    • QCVN 14:2025/BTNMT thay thế QCVN 14:2008/BTNMT, bổ sung các loại hình kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải được quản lý như nước thải sinh hoạt (Phụ lục 1) theo mã ngành kinh tế quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

    • Các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất phải áp dụng QCVN 14:2025/BTNMT

    • Trường hợp chưa xác định phân vùng xả thải nước thải, áp dụng Cột B của Bảng 1 và Bảng 2 trong QCVN 14:2025/BTNMT.

2. Giai đoạn chuyển tiếp: 01/09/2025 - 31/12/2031

  • Áp dụng cho các cơ sở đã hoạt động trước ngày 01/09/2025:

    • Có thể tiếp tục áp dụng các quy chuẩn cũ (QCVN 40:2011/BTNMT, QCVN 62-MT:2016/BTNMT, QCVN 14:2008/BTNMT).

    • Được phép tuân theo quy định của địa phương về nước thải.

    • Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sớm sang các quy chuẩn mới (QCVN 40:2025/BTNMT, QCVN 62:2025/BTNMT, QCVN 14:2025/BTNMT).

    • Nếu có sự thay đổi về chức năng của nguồn nước tiếp nhận, thực hiện theo lộ trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Ngày 01/01/2032 - Bắt buộc áp dụng các quy chuẩn mới

  • Tất cả các cơ sở thuộc diện chuyển tiếp phải tuân thủ các quy chuẩn mới:

    • Nước thải công nghiệp: QCVN 40:2025/BTNMT.

    • Nước thải chăn nuôi: QCVN 62:2025/BTNMT.

    • Nước thải sinh hoạt, đô thị, khu dân cư tập trung: QCVN 14:2025/BTNMT.

  • Toàn bộ các quy chuẩn cũ hoàn toàn hết hiệu lực và không còn áp dụng.

ĐIỂM MỚI TRONG CÁC QUY CHUẨN XẢ THẢI 2025

Tiêu chí QCVN 40:2011/BTNMT (Cũ) QCVN 40:2025/BTNMT (Mới) Điểm mới
Phạm vi áp dụng Áp dụng chung cho nước thải công nghiệp Quy định tại Cột 2 Phụ lục 2 Quy chuẩn này, từ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. - QCVN 40:2025/BTNMT có phạm vi mở rộng hơn QCVN 40:2011/BTNMT, bao gồm cả khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
- Thay thế 11 quy chuẩn cũ để thống nhất quản lý chung cho nước thải công nghiệp, bổ sung quy định riêng cho nước làm mát, nước nuôi trồng thủy sản
Phân vùng xả thải Cột A (nguồn cấp nước sinh hoạt) và Cột B (không cấp nước sinh hoạt) Thêm Cột C (nguồn tiếp nhận không thuộc hai loại trên) Chi tiết hóa nguồn tiếp nhận nước thải
Hệ số điều chỉnh Dùng hệ số Kq (nguồn tiếp nhận) và Kf (lưu lượng xả thải) Bỏ Kq và Kf, áp dụng giới hạn tuyệt đối Loại bỏ hệ số điều chỉnh giúp đơn giản hóa
Các thông số 33 thông số 65 thông số, bổ sung AOX, Dioxin/Furan, Ba, Sb, Sn, Se, Dầu mỡ động thực vật, TOC... Mở rộng thông số kiểm soát chất ô nhiễm độc hại. Riêng dự án đầu tư, cơ sở có công nghệ, thiết bị có phát sinh thông số ô nhiễm đặc trưng mới chưa được quy định tại Bảng 1 và Bảng 2 Quy chuẩn này thì áp dụng giá trị giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của một trong các quốc gia thuộc Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7).
Phương pháp phân tích Áp dụng các TCVN cũ Cập nhật theo TCVN mới nhất, bổ dung US EPA, SMEWW, ISO, ES, ASTM Đa dạng hơn
Ngoài việc phân vùng xả thải theo A/B/C, quy chuẩn này còn quy định phân nhóm giới hạn theo lưu lượng xả thải (F ≤ 2.000 và F > 2.000 m³/ngày) đối với nhóm thông số COD, BOD, TSS theo hướng siết chặt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, TOC được bổ sung như một lựa chọn thay thế COD, giúp đánh giá ô nhiễm hữu cơ chính xác hơn (Tổ chức, cá nhân được lựa chọn áp dụng TOC hoặc COD).
Đối với thông số TP, quy định riêng cho nguồn nước tiếp nhận là hồ, ao, đầm và nguồn nước tiếp nhận là hồ, ao, đầm đối với nước thải nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thủy sản, chế biến tinh bột sắn và chế biến mủ cao su thiên nhiên hoặc khác
- QCVN 62:2025: bổ sung TP, TOC (lựa chọn thay thế COD)
- QCVN 14:2025: thay TN cho Nitrat, thay TP cho Phosphat, bỏ TDS, bổ sung COD, TOC (lựa chọn thay thế COD)

DOANH NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ ĐÁP ỨNG QUY CHUẨN XẢ THẢI MỚI ?

1. Doanh nghiệp đã hoạt động trước ngày 01/09/2025

(Áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ 01/09/2025 - 31/12/2031)
Tiếp tục tuân thủ quy chuẩn cũ (QCVN 40:2011/BTNMT, QCVN 62-MT:2016/BTNMT, QCVN 14:2008/BTNMT) nhưng khuyến khích chuyển đổi sớm sang quy chuẩn mới.

Đánh giá lại hệ thống xử lý nước thải:

  • Kiểm tra xem hệ thống hiện tại có đáp ứng được giới hạn chặt chẽ hơn của QCVN 40:2025/BTNMT không.
  • Nếu chưa đạt, cần lên kế hoạch nâng cấp hệ thống xử lý nước thải trước 01/01/2032.

Theo dõi quy định của địa phương:

  • Có thể tiếp tục áp dụng quy định xả thải của địa phương trong giai đoạn chuyển tiếp.
  • Nếu có thay đổi về chức năng nguồn nước tiếp nhận, phải tuân theo lộ trình điều chỉnh của cơ quan nhà nước.

Xây dựng kế hoạch tài chính & kỹ thuật:

  • Lập ngân sách đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải.
  • Tìm kiếm đơn vị tư vấn môi trường để hỗ trợ đánh giá và cải tạo hệ thống.

Chuẩn bị cho yêu cầu quan trắc mới:

  • Xác định liệu doanh nghiệp có phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hay không (áp dụng cho các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn).
  • Nếu cần, lên kế hoạch triển khai hệ thống quan trắc tự động sớm.

Hoàn tất chuyển đổi trước 01/01/2032:

  • Từ ngày 01/01/2032, doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ quy chuẩn mới.

2. Doanh nghiệp hoạt động sau ngày 01/09/2025

Bắt buộc tuân thủ ngay QCVN 40:2025/BTNMT, QCVN 62:2025/BTNMT, QCVN 14:2025/BTNMT.

Thiết kế hệ thống xử lý nước thải ngay từ đầu theo tiêu chuẩn mới:

  • Đảm bảo đáp ứng giới hạn COD, BOD, TSS nghiêm ngặt hơn.
  • Áp dụng TOC thay thế COD nếu phù hợp để linh hoạt hơn trong giám sát.
  • Nếu lưu lượng xả thải lớn (F > 2.000 m³/ngày), doanh nghiệp cần có công nghệ xử lý tiên tiến hơn.
Cập nhật quy chuẩn mới trong quá trình thực hiện hồ sơ môi trường:
  • Hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
  • Giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định mới.

Quan trắc tự động nếu thuộc diện bắt buộc:

  • Theo Phụ lục II của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP: các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc 17 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và từ 200 m3/ngày trở lên tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục. Đối với các trường hợp khác,  phải quan trắc tự động nếu trên 500 m3/ngày. Sáu thông số quan trắc nước thải tự động, liên tục gồm: lưu lượng (đầu vào và đầu ra), nhiệt độ, pH, TSS, COD hoặc TOC, NH4+ (trừ trường hợp QCVN không quy định NH4+). Nếu CSSX đã đấu nối về NMXLNT tập trung thì không cần lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Lựa chọn nguồn tiếp nhận nước thải phù hợp:

  • Phân loại theo Cột A, B, C để áp dụng tiêu chuẩn xả thải phù hợp.
  • Nếu chưa xác định phân vùng xả thải, áp dụng Cột B tạm thời.

Doanh nghiệp nên có kế hoạch gì để chuẩn bị cho sự thay đổi của Quy chuẩn xả thải mới?

Việc tuân thủ QCVN mới không chỉ đơn thuần là đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, giảm thiểu rủi ro và thể hiện cam kết đối với trách nhiệm môi trường. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp nên chủ động đánh giá lại hệ thống xử lý hiện có, xác định khoảng cách so với quy định mới và lên kế hoạch cải tạo phù hợp.
Bên cạnh đó, thay vì tự triển khai một cách thiếu định hướng, việc tìm cho mình một đơn vị tư vấn môi trường chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp:
  • Đánh giá mức độ tuân thủ – Kiểm tra hệ thống hiện tại và đề xuất điều chỉnh phù hợp với QCVN mới.
  • Tối ưu hóa công nghệ xử lý – Cải tạo hoặc nâng cấp hệ thống để đạt chuẩn với chi phí hợp lý.
  • Hỗ trợ thủ tục pháp lý – Hoàn thiện hồ sơ môi trường, tránh vi phạm và rủi ro xử phạt.
  • Đào tạo vận hành – Nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát nước thải hiệu quả.
Với những thay đổi trong quy chuẩn kỹ thuật, doanh nghiệp không nên chờ đến thời điểm bắt buộc mới bắt đầu chuyển đổi. Chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ đơn vị tư vấn môi trường uy tín sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây