Đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

Thứ tư - 26/02/2020 21:24
Thực hiện cam kết của Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay, theo đánh giá kết quả thực hiện còn một số hạn chế, chưa đạt đầy đủ các mục tiêu như mong muốn.

Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới đã trải qua chặng đường 15 năm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Kết quả đánh giá trên toàn cầu cho thấy, ba trong số tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ - về đói nghèo, các khu ổ chuột và nước - đã được đáp ứng trước thời hạn năm 2015, còn lại nhiều mục tiêu MDGs vẫn chưa đạt được.

Để tiếp tục thực hiện những công việc chưa hoàn thành của MDGs và các ưu tiên mới về phát triển bền vững toàn cầu, Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio +20) tại Rio de Janeiro vào tháng 6 năm 2012 đã đưa ra một thỏa thuận về khởi động quá trình phát triển một tập hợp các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs). Ngày 25 tháng 9 năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững đã thông qua tại văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, trong đó, vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục là các ưu tiên.

Thực hiện cam kết của Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay, theo đánh giá kết quả thực hiện còn một số hạn chế, chưa đạt đầy đủ các mục tiêu như mong muốn.

Mục tiêu 6: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người

Ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông vẫn không giảm và là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Nước mặt ở nhiều lưu vực sông đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ. Nguyên nhân chính là do xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu của các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, dịch vụ ở các đô thị và nước thải từ hoạt động khai thác khoáng sản ở đầu nguồn đã gây ô nhiễm cho các nguồn nước mặt. Năm 2016, có 64,2% khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định về xử lý nước thải, 54% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Đến năm 2017, tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý chỉ đạt khoảng 12%. Trong tổng số 781 đô thị thì chỉ có 44 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định (đạt 5,63% năm 2016). Như vậy, có thể thấy mục tiêu đặt ra cho đến năm 2030 là khá tham vọng, nguy cơ khó đạt được mục tiêu là rất cao.

Mục tiêu 13: Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai

Biến đổi khí hậu là vấn đề liên vùng, tuy nhiên cách tiếp cận hiện nay vẫn phổ biến theo tư duy địa giới hành chính, do đó việc đề xuất và triển khai các dự án mang tính liên vùng còn gặp nhiều hạn chế. Vấn đề tiếp cận các quỹ khí hậu, tiếp cận công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, sự tham gia của khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu sự đột phá. Bên cạnh đó hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa đủ rõ. Việc lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển còn hạn chế.

Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững

Hệ sinh thái rừng ngập mặn hiện cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Sự suy thoái này thể hiện rõ nét nhất qua sự suy giảm nhanh chóng về diện tích và chất lượng các khu rừng ngập mặn. Việt Nam đã mất đi 67% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1943. Với thực trạng hầu hết các hệ sinh thái biển đã và đang đứng trước chiều hướng suy thoái nghiêm trọng trong khi nguồn lực có hạn như hiện nay, khả năng đạt được mục tiêu SDG 14.2 đến 2030 là rất khó khăn.

Đối với các khu bảo tồn biển, Việt Nam đã thành lập được 10 khu bảo tồn. Tổng diện tích các khu bảo tồn biển Việt Nam được quy hoạch là 270.272 ha, chiếm khoảng 0,24% tổng diện tích vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, với tốc độ thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn như hiện nay, việc đạt được mục tiêu của quy hoạch cũng còn nhiều khó khăn, chưa kể đến nếu so với mục tiêu SDG 14.5 “Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3- 5% diện tích tự nhiên”, thì việc hoàn thành mục tiêu này là vô cùng thách thức. Đối với các khu bảo tồn biển đã thành lập, việc duy trì hoạt động cũng là thách thức lớn bởi nguồn tài chính hạn chế.

Mục tiêu 15: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất

Việc thực hiện SDG 15 còn gặp một số khó khăn như: Việc ban hành văn bản dưới Luật thực thi Luật đa dạng sinh học còn chậm và việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp và đồng thuận trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Nhiều quy định về quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại chưa được triển khai xây dựng. Việc kiểm soát và ngăn chặn nạn buôn bán động thực vật hoang dã trái phép tới nay chưa đạt kết quả như mong muốn. Một nguyên nhân có thể thấy rõ đó là do thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp mang lại lợi nhuận cao, hấp dẫn. Ngoài ra, năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế đã dẫn đến những cản trở, khó khăn rất lớn cho Việt Nam trong việc thực hiện SDG 15.

Nguồn tin: CTTĐT Bộ TN&MT

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây